Người Dao ở Yên Lập học “tiếng mẹ đẻ” để giữ gìn bản sắc văn hóa

QUỲNH VY

VHO - Người Dao tại huyện Yên Lập (Phú Thọ) có nền văn hóa lâu đời, có tiếng nói, chữ viết riêng. Tuy nhiên, hiện nay tiếng nói và chữ viết đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, do vậy, việc duy trì, phát huy chữ Nôm Dao trong đời sống của đồng bào là cách làm hiệu quả nhằm giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa.

Người Dao ở Yên Lập học “tiếng mẹ đẻ” để giữ gìn bản sắc văn hóa - ảnh 1

Các học viên tham gia được hai nghệ nhân Phùng Sinh Huyện và Phùng Sinh Thịnh là người có uy tín và kinh nghiệm truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao

Trong quá trình lao động và sản xuất, người Dao ở Yên Lập luôn có ý thức bồi đắp và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng, phong phú của dân tộc mình để trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

Những năm qua, huyện Yên Lập đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch, văn hóa hấp dẫn du khách. 

Người Dao tại huyện Yên Lập có nền văn hóa truyền thống lâu đời, có tiếng nói, chữ viết riêng. Tuy nhiên, hiện nay tiếng nói và chữ viết của đồng bào Dao đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Do đó, việc duy trì, phát huy chữ Nôm Dao trong đời sống của đồng bào là cách làm hiệu quả nhằm giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn Phú Thọ, Sở VHTTDL Phú Thọ vừa phối hợp với UBND huyện Yên Lập tổ chức lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho 40 học viên là người dân tộc Dao đang sinh sống tại 2 xã Nga Hoàng và Xuân Thủy, huyện Yên Lập. 

Đây là hoạt động thiết thực đề cao vai trò chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy các loại hình di sản văn hóa đặc sắc. Thiết lập mối quan hệ giữa cộng đồng với các cơ quan quản lý văn hóa trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc Dao.

Đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu, khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao tạo ra sản phẩm du lịch hấp dân du khách, từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn Yên Lập.

Người Dao ở Yên Lập học “tiếng mẹ đẻ” để giữ gìn bản sắc văn hóa - ảnh 2

Lớp tập huấn được tổ chức từ tháng 5 đến 9.2024

Lớp tập huấn được tổ chức từ tháng 5 đến 9.2024. Các học viên tham gia sẽ được hai nghệ nhân Phùng Sinh Huyện và Phùng Sinh Thịnh là người có uy tín và kinh nghiệm truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao trên địa bàn Yên Lập.

Đây là dịp để các nghệ nhân- chủ thể nắm giữ di sản văn hóa cùng với các học viên dân tộc Dao truyền dạy, trao đổi và tiếp thu những giá trị đặc sắc về tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.

Từ đó, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Dao trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần và động viên đồng bào Dao chủ động bảo vệ và phát huy giá trị di sản quý báu của cha ông.

Được biết, không chỉ ở 2 xã Nga Hoàng và Xuân Thủy, mà ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Yên Lập, người dân cũng tích cực, chủ động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau.

Bằng những việc làm cụ thể, Sở VHTTDL Phú Thọ và UBND huyện Yên Lập đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao ở địa phương. Thông qua việc thành lập CLB giữ gìn bản sắc văn hóa Dao, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy tiếng nói, chữ viết; duy trì, phát huy giá trị các nghi lễ cúng tổ tiên, cấp sắc; thêu hoa văn trang trí trên trang phục; các làn điệu dân ca, dân vũ góp phần lan tỏa nét văn hóa truyền thống dân tộc Dao nói riêng, cộng đồng các dân tộc Yên Lập nói chung tới du khách gần xa.

Trong đó, chú trọng việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, khuyến khích sử dụng ngôn ngữ của dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các hình thức truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian.

Từng bước đưa văn hóa dân tộc thiểu số trở thành các hoạt động ngoại khóa thường xuyên tại các trường học, qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu quê hương, đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Tích cực truyền dạy tiếng dân tộc cho người dân địa phương và  đội ngũ cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đây chính là tiền đề, thuận lợi để huyện Yên Lập triển khai hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.