Phú Thọ: Xây dựng tủ sách cộng đồng cho vùng đồng bào dân tộc thiếu số
VHO - Xây dựng tủ sách cộng đồng là một trong những nhiệm vụ của Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Triển khai Kế hoạch nói trên, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 97/KH-SVHTTDL về triển khai thực hiện các nhiệm vụ “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi năm 2022. Nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Thực hiện xây dựng tủ sách cộng đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở VHTTDL đã giao phòng chuyên môn, đơn vị rà soát lựa chọn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của 3 huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập để đưa vào kế hoạch triển khai hỗ trợ tủ, sách với số lượng 55 xã và nguồn kinh phí là 150 triệu đồng.
Sau khi ban hành kế hoạch (với mong muốn nhằm cung cấp nguồn sách phù hợp với từng địa phương), Phòng Quản lý Văn hóa & Gia đình, Thư viện tỉnh, Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thể thao, Du lịch và Truyền thông của các huyện đã có buổi đi khảo sát thực tế địa bàn tại các xã: Mỹ Lung, Ngọc Đồng- Huyện Yên Lập; Đông Cửu, Thượng Cửu - Huyện Thanh Sơn; Kiệt Sơn - huyện Tân Sơn và làm việc với chính quyền địa phương tình hình thực tế về cơ sở vật chất, nhu cầu của đồng bào…. Đây là các xã đặc biệt khó khăn (của huyện miền núi), vì vậy 100% các xã chưa có tủ sách phục vụ cộng đồng, để hỗ trợ thông tin cho đồng bào, đã đề xuất các nguồn sách cung cấp kiến thức về giáo dục Pháp luật, Y tế, Văn hóa…đặc biệt là sách hướng dẫn về nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng như: Kỹ thuật nuôi ong, nuôi dê, thỏ, gà thả đồi, thả vườn; các loại cây gia vị làm thuốc chữa bệnh, hướng dẫn chọn giống và chăm sóc bưởi, cam, quýt, chanh và một số sách cho thiếu nhi như: Kỹ năng sống giúp trẻ phát triển - học cách giao tiếp, ứng xử; Kỹ năng sống giúp trẻ phát triển - học cách tự bảo vệ bản thân; sách hướng nghiệp;…nhằm nâng cao đời sống tinh thần cũng như từng bước phát huy giá trị của văn hóa đọc đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau khi triển khai chương trình của Dự án 6, hỗ trợ tủ sách cho đồng bào dân tộc thiếu số miền núi năm 2022 đã hoàn thành và bàn giao cho 5 xã: Mỹ Lung, Ngọc Đồng- Huyện Yên Lập; Đông Cửu, Thượng Cửu - Huyện Thanh Sơn; Kiệt Sơn - huyện Tân Sơn.
Mỗi tủ sách được xây dựng gồm 1 tủ đựng sách và 236 bản sách các loại: Trang bị tủ đựng chắc chắn, thiết kế tủ sách dành cho thư viện và phù hợp với không gian phòng đọc sách của các xã thuận lợi cho nhân dân khi đến tra cứu, đọc sách báo; trang bị các loại sách bao gồm: Sách tuyên truyền giáo dục Pháp luật, Sách hướng dẫn phát triển kinh tế; Nông nghiệp; Sách Hướng nghiệp; Sách Giáo dục truyền thống; đặc trưng về Dân tộc thiểu số địa phương; Sách Giáo dục kỹ năng sống, lối sống văn hóa; Sách Y học; Sách Văn học - Nghệ thuật; Sách Thiếu nhi, với tổng giá trị 30 triệu đồng/tủ/xã.
Tủ sách được đặt tại trụ sở UBND các xã thuận tiện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đến tham khảo, tìm đọc. Xây dựng tủ sách cộng đồng sẽ góp phần đưa văn hóa đọc trên địa bàn các xã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn, tăng cường ý thức thực hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Tiếp tục thực hiện Tiểu dự án 16 (nằm trong Dự án 6): Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023, tỉnh Phú Thọ có 16 tủ sách được hỗ trợ cho 16 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nội dung tủ sách là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số; Giới thiệu nét đẹp đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số.
Sách hỗ trợ chủ yếu các loại: Chính trị xã hội; Pháp luật, Khoa học kỹ thuật; Văn hóa nghệ thuật, Thiếu nhi... hoặc cập nhật, bổ sung sách, tài liệu mới cho tủ sách hiện có phù hợp với yêu cầu sử dụng của cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ cuối năm 2023, Thư viện tỉnh Phú Thọ đã tổ chức giao nhận tủ sách và sách theo chương trình “Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tới 16 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Phú Thọ (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo đó, mỗi xã được bàn giao 1 tủ sách cùng 284 bản sách với kinh phí là 30 triệu đồng/xã. Nội dung sách bao gồm các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Giới thiệu nét đẹp đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số; Sách hướng dẫn phát triển kinh tế; Nông nghiệp; Sách Hướng nghiệp; Sách Giáo dục truyền thống; Sách Giáo dục kỹ năng sống, lối sống văn hóa; Sách Y học; Sách Văn học - Nghệ thuật; Sách Thiếu nhi…
Việc xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân tiếp cận với văn hóa đọc. Các ấn phẩm trong tủ sách có giá trị cả lý luận và thực tiễn giúp Nhân dân cùng các em học sinh có thêm nguồn tài liệu để phục vụ cho học tập, công tác, giải trí, học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí. Từ đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu vùng xa, giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.