Nghiệm thu lớp truyền dạy nhạc cụ tre nứa của người Xơ Đăng, Gia Rai
VHO - Chiều 22.12, tại Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL Kon Tum tổ chức Hội nghị nghiệm thu lớp truyền dạy nhạc cụ tre nứa và trình diễn, trưng bày nghệ thuật chế tác, tập quán sử dụng tre nứa của người Xơ Đăng, Gia Rai trong hành trình du lịch Gia Lai – Kon Tum.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Dự án 6 trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở VHTTDL Kon Tum và Gia Lai phối hợp Cục Di sản văn hoá tổ chức triển khai xây dựng mô hình kết nối di sản Nghệ thuật chế tác và tập quán sử dụng tre nữa người Xơ đăng và Gia Rai.
Song song với tổ chức Lớp truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ tre nứa của người Gia Rai, huyện Ia Grai (Gia Lai) và Lớp truyền dạy Klong pút của người Xơ đăng, huyện Đăk Tô (Kon Tum).
Theo ông Hoàng, nhạc cụ tre nứa cùng toàn bộ đời sống văn hoá, tập quán liên quan tới tre nứa là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá, có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào người Xơ đăng và Gia Rai ở cả Kon Tum và Gia Lai. Nhận thức được giá trị của di sản đối với đời sống văn hóa của cộng đồng, Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quá trình toàn đô thị hoá và hiện đại hoá đang làm biến đổi các truyền thống, tập tục, nghi lễ, là phai nhạt dần bản sắc tộc người, mặt khác, các thiết bị thông minh với đa dạng nguồn giải trí đã khiến cho sự quan tâm của cộng đồng đối với các truyền thống văn hoá ngày một suy giảm, cùng với sự thu hẹp của vùng nguyên liệu tre nữa.
“Vì thế, di sản nói chung và nhạc cụ tre nữa chưa thực sự phát huy được giá trị nội tại để biến di sản trở thành tiềm lực văn hóa phục vụ cho chính cộng đồng; cũng như chưa phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Xơ đăng và Jrai ở Kon Tum, Gia Lai”, ông Hoàng bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết thêm, việc lựa chọn di sản nhạc cụ tre nứa cùng toàn bộ đời sống văn hoá, tập quán liên quan tới tre nứa để hỗ trợ truyền dạy và xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng ở Đắk Tô (Kon Tum) và Ia Grai (Gia Lai) rất có ý nghĩa.
“Đây là cơ hội hỗ trợ cho đồng bào trong việc tạo không gian thực hành và truyền dạy, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để các thế hệ được tiếp cận, duy trì, thực hành nghi lễ, thúc đẩy, nâng cao tự hào về giá trị bản sắc tộc người và tự tin với truyền thống cha ông, tổ tiên đã để lại cho họ”,ông Hoàng nói.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum tin rằng, qua các buổi tập huấn dưới sự hướng dẫn của các báo cáo viên và những ngày truyền dạy trong cộng đồng, cộng đồng đã nhận thức rõ hơn về giá trị di sản mà mình đang nắm giữ.
Qua đó, họ có thêm tự hào và tiếp tục trao truyền, chia sẻ tri thức, kỹ năng liên quan tới các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng với các tập quán liên quan có sử dụng nhạc cụ tre nứa;
Từ đó, di sản sẽ trở thành nguồn lực cho du lịch để kết nối cộng đồng và di sản đời sống văn hoá, tập quán liên quan tới tre nứa của 2 huyện thuộc 2 tỉnh nói trên, tạo hành trình du lịch di sản, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng chủ thể.
“Chúng tôi hy vọng, trong năm 2025 di sản “Văn hoá, tập quán liên quan tới tre nứa của người Xơ đăng và Gia Rai” ở Kon Tum và Gia Lai sẽ được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, là di sản liên tỉnh đầu tiên được xem xét, theo quy định của Luật Di sản văn hoá vừa được Quốc hội thông qua”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, sau khi đánh giá tổng kết một số nội dung liên quan, cộng đồng các nghệ nhân đã có những màn trình diễn, giao lưu các tiết mục biểu diễn nhạc cụ truyền thống; trưng bày, giới thiệu một số nhạc cụ truyền thống và tập quán tiêu biểu của cộng đồng mỗi dân tộc để người dân và du khách thưởng thức.