“Mùa vàng” trên cánh đồng Mường Quạ

PHẠM NGÂN

VHO - Trong ký ức của những người cao tuổi, Mường Quạ xưa (Con Cuông, Nghệ An) là cánh đồng màu mỡ, trù phú cho hạt lúa trĩu bông. Loại nếp vàng hong lên có màu óng ánh như mỡ gà, mùi thơm ngào ngạt. Đặc sản xôi Khầu Cú Páng ăn kèm với cá Mát sông Giăng khiến ai về với vùng đất Môn Sơn, Lục Dạ cũng đều lưu luyến không nỡ rời chân.

 “Mùa vàng” trên cánh đồng Mường Quạ - ảnh 1

Đoàn xã Môn Sơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị và Chi đoàn Đồn Biên phòng xuống đồng gặt lúa giúp người dân

 “Cơm Mường Quạ - Cá sông Giăng”, câu ca không chỉ nói đến sản vật của miền sơn cước mà hơn hết còn là biểu tượng cho vùng đất giàu bản sắc văn hóa.

Bức tranh sơn cước tươi đẹp

Đến xã Môn Sơn giữa nắng gắt tháng 5, chúng tôi ấn tượng với con đường rợp cờ Tổ quốc đỏ rực uốn lượn giữa cánh đồng xanh mướt. Nơi đây có đập Phà Lài là công trình thủy lợi lớn nhất huyện Con Cuông. Từ đập Phà Lài, du khách có thể tham gia tour du lịch bằng thuyền vào với bà con tộc người Đan Lai ở bản Cò Phạt, bản Búng thuộc khu vực biên giới Việt - Lào. Sông Giăng cũng cung cấp cho người dân các loại thủy sản bản địa đặc biệt như cá mát, cá bọp, chạch sú, cá lăng, cá chình...

Những ngày này, bà con dân tộc Thái, Đan Lai xã biên giới Nghệ An đang phấn khởi ra đồng thu hoạch lúa. Cùng với niềm vui được mùa, bà con càng phấn khởi hơn khi được bộ đội biên phòng và cán bộ, chiến sĩ công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giúp sức. Không khí lao động trên cánh đồng thật nhộn nhịp, tiếng máy gặt đập liên hoàn để kịp thời vụ, dân bản tất bật, từng tốp chia nhau gặt, thu gom, tuốt lúa…

Già Vi Văn Sơn ở bản Thái Sơn, xã Môn Sơn không giấu được niềm vui, bày tỏ lòng cảm ơn khi là một trong những gia đình được lực lượng xung phong giúp gặt mùa vụ năm nay. Già kể cho chúng tôi nghe về sự hình thành của địa danh Mường Quạ gắn với những cuộc thiên di cách đây hàng trăm năm của cộng đồng người Thái từ vùng Tây Bắc vào Nghệ An. “Tương truyền, khi đặt chân đến miền đất này, tổ tiên người Thái bắt gặp con sông, nước trong xanh trôi lững lờ, nước uống vào vừa mát, vừa ngọt. Cạnh con sông có một bãi đất màu mỡ, có hàng nghìn loài chim sinh sống ở đó, nhiều nhất là chim quạ. Con sông bắt nguồn từ dãy núi Pù Mát (giáp biên giới Việt - Lào), chảy xuôi dòng quanh co, giăng qua những dãy rừng đại ngàn, đẹp như một dải lụa xanh, vì thế người xưa đặt tên cho dòng sông là Giăng, cánh đồng nhiều chim quạ nên gọi là Ðồng Quạ”, già Vi Văn Sơn rì rầm kể.

Dù nắng nóng khắc nghiệt, gió Lào thổi bỏng rát, nhưng không khí lao động và tinh thần làm việc hăng say, nhiệt tình, trách nhiệm của các đoàn thể thanh niên đã khiến cho niềm vui được mùa của người dân như được nhân lên. Bà Vi Thị Hoa vừa lau những giọt mồ hôi vừa cười: “Lúa năm nay được mùa, năng suất cao hơn năm trước. Gia đình tôi thiếu lao động, hoàn cảnh neo đơn, may nhờ có các anh bộ đội, công an, đoàn viên xuống giúp nên đã nhanh chóng gặt xong. Trời nắng ráo, thu hoạch về hong phơi ngay, chứ không như mùa năm ngoái, lúa chưa kịp gặt giông lốc đã kéo đến. Trước đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chỉ dựa vào rừng, nay được các ban, ngành “cầm tay chỉ việc”, bà con đã biết cách khai hoang, làm thủy lợi và gieo trồng sản xuất lúa. Chúng tôi cảm ơn lắm!”.

 “Mùa vàng” trên cánh đồng Mường Quạ - ảnh 2

Vẻ đẹp trong lao động của các chiến sĩ Đồn Biên phòng xã Môn Sơn đã tô thắm thêm tình đoàn kết quân dân

Ấm no ở miền biên giới

Môn Sơn là xã thuộc vùng miền núi cao biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là Thái, Kinh và Đan Lai. Mức sống của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 22,3%, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mỗi mùa vụ là tất cả gia sản của bà con nên việc thu hoạch cần kịp thời để tránh mưa gió lúa đổ, hạt nảy mầm.

Chị Ngân Thị Quỳnh, Phó Bí thư Đoàn xã Môn Sơn cho biết: “Lúa của dân bản đã chín vàng, tuy nhiên nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, neo người nên không kịp thu hoạch. Trước tình hình đó,Đoàn xã Môn Sơn đã lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị và Chi đoàn Đồn Biên phòng xã Môn Sơn xuống đồng gặt lúa giúp bà con. Với phương châm “lúa chín tới đâu, thu hoạch tới đó”, ngay sau khi lúa đạt độ là chúng tôi đã tích cực đến gặt về”.

Ông Lương Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1931, Chi bộ đảng dân tộc miền núi đầu tiên của Nghệ An được thành lập tại bản Thái Hòa. Bước vào thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay, xã Môn Sơn đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ, độ che phủ rừng ở đây đạt 76%; toàn huyện là 70%, cao nhất tỉnh. Xã Môn Sơn có 34 hộ người Đan Lai chuyển về sinh sống từ năm 2002. Từ chỗ không biết làm nương rẫy, chăn nuôi, giờ đây đồng bào đã biết trồng cấy, nuôi bò, nuôi dê, ổn định cuộc sống. Để có sự thay đổi trên, Đồn Biên phòng Môn Sơn cùng chính quyền địa phương đã nỗ lực hướng dẫn bà con từ những việc nhỏ nhất như ăn ở, sinh hoạt hằng ngày cho đến phát triển kinh tế… Giờ đây, nếp sống của người Đan Lai đã ổn định, hòa nhập cộng đồng bên những bản làng người Thái ở Môn Sơn.

“Cánh đồng Mường Quạ bây giờ còn rộng rãi hơn xưa. Chính quyền và người dân Con Cuông xác định đây là vựa lúa của cả vùng rộng lớn nên đã có sự chung tay từ các cơ quan, đơn vị cùng người dân để mở rộng thêm diện tích trồng lúa nước ở Mường Quạ. Hành động cụ thể, thiết thực của các đoàn thể là việc làm rất có ý nghĩa, không chỉ giúp các gia đình neo đơn, gia đình chính sách trong ngày mùa bận rộn, mà còn nâng cao tinh thần đoàn kết, gần gũi giữa cán bộ, bộ đội biên phòng, chiến sĩ lực lượng vũ trang với bà con địa phương, tô thắm thêm tình quân dân và tạo thêm những hình ảnh đẹp đẽ, nhân văn”, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết thêm.