Bảo tồn văn hóa Mường ở Yên Lập gắn với phát triển du lịch
VHO- Sở VHTTDL Phú Thọ vừa tổ chức lớp truyền dạy múa Trống đu, múa Sênh tiền và Hò đu cho cộng đồng người Mường tại huyện Yên Lập.. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tỉnh Phú Thọ.
Các học viên biểu diễn tiết mục Hò đu
Các loại hình diễn xướng múa Trống đu, múa Sênh tiền và Hò đu gắn bó sâu đậm trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường ở Yên Lập, thể hiện tư duy sáng tạo và sự khéo léo, tinh tế trong việc chế tạo ra nhạc cụ và bài múa tạo nên những âm hưởng sâu lắng, gợi lên sắc màu văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người nơi đây.
Để bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp mang bản sắc văn hóa đồng bào Mường, nhiều năm qua Sở VHTTDL Phú Thọ và huyện Yên Lập đã có những biện pháp bảo tồn cụ thể và thiết thực như thành lập các câu lạc bộ, mở các lớp tập huấn, truyền dạy góp phần động viên, khích lệ, tạo điều kiện để múa Trống đu, múa Sênh tiền và Hò đu được bảo tồn, lưu giữ cho các thế hệ trong cộng đồng người dân tộc Mường.
Các học viên biểu diễn tiết tiết mục múa Trống đu
Tham gia lớp truyền dạy có 274 học viên là nghệ nhân, cán bộ văn hoá, thành viên các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ dân tộc Mường trên địa bàn xã Đồng Thịnh, Thượng Long và Minh Hòa thuộc huyện Yên Lập.
Theo đó, các học viên tham gia lớp truyền dạy được các nghệ nhân- chủ thể văn hóa nắm giữ những bí quyết, kỹ năng truyền dạy trực tiếp các loại hình diễn xướng dân gian múa Trống đu, múa Sênh tiền và Hò đu mang đậm bản sắc văn hóa của người Mường, qua đó, các học viên sẽ nắm bắt được cách thức, nhịp điệu, thực hành thạo được điệu múa trống đu, múa sênh tiền và hò đu. Cụ thể, tại lớp múa trống đu có 88 học viên dưới sự truyền dạy của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạch Hoạch cùng 11 nghệ nhân của xã Đồng Thịnh; Lớp Múa sênh tiền có 101 học viên dưới sự truyền dạy của 12 nghệ nhân xã Thượng Long; Lớp hò đu có 85 học viên dưới sự truyền dạy của các nghệ nhân xã Mỹ Lung và xã Minh Hòa.
Các học viên biểu diễn tiết tiết mục múa Sênh tiền
Ban tổ chức cho biết, múa Trống đu, múa Sênh tiền và Hò đu là những diễn xướng, những làn điệu cổ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Mường, do đó công tác chuẩn bị được lựa chọn kỹ lưỡng để triển khai tại lớp truyền dạy nhằm giúp cho các học viên nắm được những kiến thức cơ bản để trình diễn và truyền dạy lại cho thế hệ sau.
Trao Giấy chứng nhận cho các học viên tham gia lớp truyền dạy
Với mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường. Qua đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng người dân tộc thiểu số về việc bảo tồn, các giá trị văn hóa phi vật thể lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, tạo môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, đồng thời, từng bước khôi phục và hạn chế sự mai một của nghệ thuật biểu diễn múa trống đu, sênh tiền và hò đu của đồng bào người Mường ở Yên Lập.
Việc tổ chức lớp truyền dạy góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc và niềm tự hào của đồng bảo dân tộc Mường ở Yên Lập, tạo tiền đề cho các địa phương tổ chức, nhân rộng loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này trong cộng đồng dân tộc Mường, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con các dân tộc, gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
QUỲNH VY; ảnh: THANH THỦY