Lễ “Sene Đôn Ta” về Trà Vinh vui cùng phum sóc

UYÊN PHƯƠNG

VHO - Lễ Sene Đôn Ta (cúng ông bà) là một trong những sự kiện quan trọng trong năm của đồng bào Khmer, được truyền giữ qua nhiều thế hệ.

 Lễ “Sene Đôn Ta” về Trà Vinh vui cùng phum sóc - ảnh 1
Lãnh đạo huyện Tiểu Cần chúc mừng lễ Sene Đôn Ta tại chùa ArunRanSây ChacKrôn, động viên bà con đón lễ thật đầm ấm, vui tươi và giàu bản sắc văn hóa

 Những ngày này, các phum sóc ở Trà Vinh sẽ tưng bừng, nhộn nhịp trong không khí lễ hội, bà con náo nức chuẩn bị vật phẩm, trang hoàng nhà cửa, bàn thờ tổ tiên thật lộng lẫy để rước ông bà trở về vui cùng con cháu…

 Nơi hội tụ sắc màu văn hóa Khmer

Năm nay, Sene Đôn Ta diễn ra từ ngày cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch. Khắp phum, sóc, đặc biệt là các chùa Khmer, đâu đâu cũng vang vọng giai điệu của dàn nhạc ngũ âm và tiếng kinh cầu an. Tại xã Lương Hòa (huyện Châu Thành), đông đảo Phật tử thành kính mang lễ vật vào chùa Padumavansa Kompong Thmo (ấp Ba Se A, xã Lương Hòa) dâng lên các vị sư sãi.

Ngoài ý nghĩa thể hiện sự kính trọng với nhà chùa, việc này còn có mục đích nhờ các sư tụng kinh cầu siêu cho tổ tiên, nhằm tưởng nhớ, tri ân công ơn bậc sinh thành và những người đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng; cầu mong cho gia đình bình an, hạnh phúc.

Ông Lâm Phene, người dân ấp Ba Se A chia sẻ: “Mỗi dịp Sene Đôn Ta, tôi luôn nhắc nhở con cháu làm ăn xa cố gắng thu xếp về nhà để làm tròn bổn phận. Từ việc dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị các mâm cơm, bánh trái để cúng kiến… chúng tôi muốn các thành viên phải làm thật thành kính để ghi nhớ công ơn của ông bà và các bậc tiền nhân. Đây cũng làdịp gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng, động viên nhau nỗ lực làm kinh tế để xây dựng phum sóc, chùa chiền và xã hội phát triển”.

Theo thông lệ hằng năm, trước mùa lễ, mọi người sẽ trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm, các ngôi chùa cũng sẽ khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ, báo hiệu một mùa lễ hội ngập tràn niềm vui, hạnh phúc.

Thượng tọa Thạch Thưa, sư cả chùa ArunRanSây ChacKrôn (ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần) cho biết: “Sene Đôn Ta giống như lễ Vu lan báo hiếu của người Kinh. Năm nay, lễ hội diễn ra trên tinh thần tiết kiệm, tinh gọn, tuy nhiên, các hoạt động vẫn thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Trong 3 ngày lễ, nhà chùa chuẩn bị nhiều lễ vật để dâng lên cúng Phật và tổ tiên, sau đó phát cho bà con như một cách cùng chia phước, cầu mong sự sung túc, ấm no cho gia đình Phật tử”.

 Lễ “Sene Đôn Ta” về Trà Vinh vui cùng phum sóc - ảnh 2
Nghi thức trong lễ Sene Đôn Ta của đồng bào Khmer Trà Vinh

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719), diện mạo nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh đã có những thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Mùa lễ Sene Đôn Ta về mang theo không khí háo hức, rộn ràng trên các phum, sóc, không khí trong mọi gia đình đều rất ấm áp, vui vẻ.

Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Trong giai đoạn 2023-2024, tỉnh đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào Khmer; hỗ trợ đất ở 34 hộ; nhà ở 767 hộ; chuyển đổi nghề 298 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt 124 hộ; đầu tư mới 3 công trình nước sinh hoạt tập trung... với kinh phí trên 44,7 tỉ đồng.

Đồng thời, đầu tư, xây dựng 73 công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống và duy tu, bảo dưỡng 39 công trình trong vùng đồng bào Khmer, kinh phí trên 98 tỉ đồng; xây dựng và cải tạo 8 chợ, kinh phí gần 6 tỉ đồng; hệ thống thủy lợi từng bước hoàn chỉnh, phục vụ đi lại và sản xuất nông nghiệp thuận lợi; điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng và phát triển rộng khắp, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của đồng bào Khmer.

Năm nay, không khí Sene Đôn Ta được “tiếp lửa” bởi nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Qua đó, góp phần tạo không khí của lễ hội thêm vui tươi, làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào.

Về với phum sóc này lễ hội, từ người già đến người trẻ đều xênh xang áo mới, nụ cười tươi rói trên môi. Các cô gái mặc sà rông sặc sỡ, tay bưng mâm lễ phủ lụa vàng dâng lên cúng Phật. Các chàng trai mang đạo cụ phục vụ lễ hội vừa đi vừa múa trống sa dăm rộn rã cả vùng quê…

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho hay: “Dịp này, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà ở một số chùa. Tại mỗi điểm đến, ngoài chúc mừng, đại diện đoàn còn thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, định hướng phát triển thời gian tới để bà con nắm rõ. Từ đó tích cực cùng địa phương chăm lo, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần làm cho quê hương thêm giàu đẹp”.