Lễ cưới của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam
VHO - Là một trong số những địa phương thụ hưởng dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang đã tổ chức khôi phục, bảo tồn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương kết hợp khai thác, xây dựng thành sản phẩm phát triển du lịch.
Đặc biệt, huyện đã phục dựng thành công nghi thức lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại làng A liêng, xã Tà Bhing, thu hút 200 diễn viên, nghệ nhân tham gia nghi lễ độc đáo này.
Nam nữ đến tuổi trưởng thành tự tìm hiểu, có tình yêu thì xin phép cha mẹ hai bên, tổ chức lễ chạm ngõ (Ganoo). Sau lễ chạm ngõ là lễ cưới (Bhrớ Bhiêc).
Thời gian giữa lễ chạm ngõ và lễ cưới ngắn hay dài là tùy theo hai gia đình, hoặc theo già làng xin phép được thần linh thời điểm nào trong năm. Sau lễ cưới người Cơtu có tục đưa dâu về nhà chồng (Dơơng Acoon Chôdông CuDik).
Nhà trai tặng nhà gái lễ vật cưới là các con vật bốn chân như heo, bò, trâu. Nhà gái tặng nhà trai tấm dồ, tấm tút, các con vật hai chân như gà, vịt, ngỗng.
Sau những nghi thức cưới là đến lễ đâm trâu, thịt trâu được xẻ ra một phần để nấu nướng chiêu đãi mọi người; phần còn lại được đem chia đều cho người trong làng của nhà gái.
Ngoài ra nhà trai còn khiêng qua nhà gái chiếc quan tài bằng gỗ để dành cho cô dâu báo hiếu cha mẹ mình vì sau lễ ăn Zum người con gái không còn được lui tới thăm viếng, chăm sóc cha mẹ ruột của mình nữa. Chiếc quan tài gỗ là vật báo hiếu của người con gái để cha mẹ được ấm thân khi lìa đời dù không có mình bên cạnh.
Nhà gái làm thịt một con gà, nấu một mâm xôi, đặt trước bàn thờ. Cha mẹ hai bên có mặt. Chủ nhà cúng vái thần linh, cầu cho vợ chồng trẻ khỏe mạnh, tự làm ra được cái ăn, sinh nhiều con cái.
Một nét văn hóa độc đáo trong lễ cưới người Cơ tu là đại diện hai bên nhà trai, nhà gái trao đổi với nhau bằng hát lý, nói lý.
Trong khuôn khổ dự án 6, phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Giang hướng đến xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, quảng bá nét đẹp văn hóa phi vật thể độc đáo này đến với du khách gần xa để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu, phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.