“Lễ cúng rừng“- nét văn hóa độc đáo của người Mông ở Nà Hẩu
VHO - Tối 26.2, UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” và Tết rừng năm 2025.

Nà Hẩu là xã vùng cao của huyện Văn Yên,nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Nơi đây có 99% đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tập tục cúng rừng có từ lâu đời, luôn được duy trì tổ chức hàng năm vào các ngày cuối cùng của tháng Giêng.
Người Mông ở Nà Hẩu quản lý rừng bằng luật tục và Tết rừng đã trở thành một tập quán lâu đời để người Mông nơi đây nhớ về cội nguồn, nhắc nhau cùng chung tay xây dựng một cuộc sống ấm no, an toàn giữa đại ngàn xanh thẳm. Đây cũng là dịp để mỗi người dân, du khách thêm trân trọng từng cây xanh, từng cánh rừng và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống “xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”.
Với ý nghĩa đó, ngày 10.12.2024, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại buổi lễ, ông Hoàng Việt Hóa, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên nhấn mạnh, việc đón nhận quyết định chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu không chỉ là niềm vinh dự lớn lao đối với cộng đồng người Mông nơi đây mà còn là trách nhiệm to lớn đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Văn Yên trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quý báu này.

Để phát huy giá trị di sản, huyện Văn Yên cam kết bảo tồn nguyên vẹn giá trị truyền thống của Lễ cúng rừng, tăng cường các chương trình nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa về Lễ cúng rừng, đảm bảo bảo tồn đầy đủ các nghi thức, lời khấn, lễ vật và không gian thiêng liêng của nghi lễ, hỗ trợ các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc truyền dạy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ và tập quán gắn với nghi lễ cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, đưa Lễ cúng rừng vào đời sống, lồng ghép bảo tồn di sản với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng trong đời sống cộng đồng, khuyến khích người dân thực hiện nghiêm túc quy ước bảo vệ rừng gắn với phong tục Lễ cúng rừng.

Tại buổi lễ, người dân và du khách đã được hòa mình chương trình nghệ thuật đặc sắc rực rỡ sắc màu văn hoá có chủ đề “Văn Yên - Âm vang Tết rừng, sáng bừng Nà Hẩu” gồm 3 chương: “Truyền tích Tết rừng Nà Hẩu”, “Rừng xanh yêu thương - Con đường di sản”, “Tết rừng - Sáng bừng Nà Hẩu” được dàn dựng công phu, tái hiện lại không gian văn hoá sống động của đồng bào dân tộc Mông xã Nà Hẩu.
Các tiết mục nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa dân tộc Mông thể hiện niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên vào Đảng, vào Bác Hồ, vào tương lai phía trước.
Sau Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên” và Tết rừng năm 2025, tại sân vận động xã Nà Hẩu đã diễn ra đêm hội đại ngàn với chủ đề “Cùng say giữa đại ngàn”.

Trong ngày 27.2, tại điểm cúng rừng truyền thống thuộc 3 thôn Trung Tâm, Bản Tát và Bản Khuy, xã Nà Hẩu diễn ra Nghi lễ cúng rừng và hoạt động ăn Tết rừng của đồng bào dân tộc Mông.
Đến với Văn Yên dịp này, người dân và du khách còn được trải nghiệm đặc sắc và khó quên như: Giải chạy khám phá giữa đại ngàn, các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, nảy pao, đánh cầu lông gà, bịt mắt đánh chiêng, kèn môi, kèn lá, múa Khèn, múa gậy Sênh tiền, hát đối...
Người dân và du khách còn được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông và ẩm thực của địa phương.


Lễ cúng rừng với những nghi lễ truyền thống linh thiêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, cùng với tình yêu rừng, trách nhiệm giữ rừng của người Mông xã Nà Hẩu được truyền từ đời này cho đời khác.
Các hoạt động tại lễ hội được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng về giá trị văn hóa của Lễ cúng rừng, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.