Lai Châu:
Khơi dậy nét đẹp văn hóa dân gian dân tộc Cống gắn với du lịch
VHO - Sở VHTTDL Lai Châu, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Nhùn vừa phối hợp tổ chức lớp truyền dạy ngữ văn dân gian dân tộc Cống tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè và xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Người Cống là một trong 15 dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta, có số dân dưới 10.000 người. Ở Lai Châu, người Cống có gần 1.600 người cư trú tập trung tại hai huyện Mường Tè và Nậm Nhùn. Dù ít người nhưng đồng bào Cống nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống trong tiếng nói, kiến trúc nhà ở, trang phục, lễ hội, phong tục tập quán, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian.
Người Cống có nền âm nhạc truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc với các đạo cụ chủ yếu làm từ tre, nứa, gỗ rừng được chế tác thủ công, đơn giản nhưng có âm hưởng riêng.
Trong diễn xướng dân gian, người Cống ở Mường Tè và Nậm Nhùn có hát dân ca, hát đối, giao duyên, hát ru, đám cưới, đám ma, chúc mừng, hát vào mùa cầu mùa, hát nguồn gốc dân tộc Cống.
Năm 2024, triển khai thực hiện Dự án 6, mới đây Sở VHTTDL Lai Châu, UBND huyện Mường Tè và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Nhùn đã tổ chức các lớp truyền dạy ngữ văn dân gian dân tộc Cống, nhiều chương trình phục dựng văn nghệ, lễ hội, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Cống thu hút nhiều người tham gia.
Thông qua hoạt động truyền dạy ngữ văn dân gian, các phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương, đất nước, của các thế hệ cha ông được hình thành trong lịch sử, được bảo lưu và giữ gìn một cách tốt nhất. Từ đó nhiều nét đẹp trong văn hóa dân gian dân tộc Cống đã dần được khôi phục.
Tại xã Nậm Khao, lớp truyền dạy ngữ văn dân gian dân tộc Cống đượcSở VHTTDL Lai Châu tổ chức với sự tham gia của 30 học viên dân tộc Cống đang sinh sống tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè. Các học viên đã được cán bộ, chuyên gia đến từ Bảo tàng tỉnh Lai Châu vnghệ nhân Lý Thị Gióng phổ biến, truyền dạy nhiều thể loại ngữ văn dân gian dân tộc Cống như ca dao tục ngữ, dân ca, kinh nghiệm, cách thức hoạt động sinh hoạt quần chúng như hát đối đáp, hát giao duyên…
Tại xã Nậm Chà, lớp truyền dạy ngữ văn dân gian dân tộc Cống có sự tham gia của 35 học viên là thành viên của đội văn nghệ của bản Táng Ngá. Các học viên đã được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Nhùn, các nghệ nhân truyền dạy, thực hành thành thạo các kỹ thuật, lời hát, bài múa dân gian dân tộc Cống. Từ đó giúp bà con lưu giữ và kế thừa những giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc dân tộc, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc bền vững.
Kết thúc tập huấn, các học viên dân tộc Cống của hai xã Nậm Khao và Nậm Chà sẽ nắm bắt được nội dung, thể loại cơ bản ngữ văn dân gian và thực hành nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca, ca dao tục ngữ truyền thống của dân tộc Cống, đồng thời sẽ mang những kiến thức và kinh nghiệm truyền lại cho các thế hệ mai sau vốn di sản quý báu của cha ông.
Các lớp tập huấn truyền dạy ngữ văn dân gian dân tộc Cống tại huyện Mường Tè và huyện Nậm Nhùn là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Cống giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.
Những lời ca, tiếng hát, điệu múa mang đậm bản sắc góp phầnlàm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng, khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu.