Nét văn hóa đặc sắc từ cây nêu:

Kết nối quá khứ, lan tỏa tương lai

NHƯ ĐỒNG

VHO - Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa và trưng bày cây Nêu giữa các xã của huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), đồng bào dân tộc Co đã truyền tải những niềm tin, khát vọng của mình qua từng hình tượng, hoa văn tinh xảo khắc vẽ trên cây Nêu. Mỗi chi tiết ấy không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc, thể hiện bản sắc riêng biệt của cộng đồng dân tộc Co.

Kết nối quá khứ, lan tỏa tương lai - ảnh 1
Nghệ nhân Hồ Văn Đường đang giới thiệu cây Nêu cúng thần linh của đồng bào Co xã Sơn Trà

 Sáng tạo từ nghệ thuật trang trí cây Nêu của dân tộc Co

Ngày hội giao lưu văn hóa “Trưng bày trang trí cây Nêu” của đồng bào dân tộc Co đã thu hút sự tham gia của 13 xã trên địa bàn huyện Trà Bồng. Mỗi xã đều thể hiện sự sáng tạo trong việc xây dựng nghệ thuật tạo hình cây Nêu, mang đến những sản phẩm độc đáo và ấn tượng.

Nghệ nhân Hồ Văn Đường (69 tuổi, xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng) chia sẻ: Dân tộc Co có nhiều kiểu cây Nêu, như: Nêu lá chuối (gấk cót kjá), Nêu dù (gâk đlu), Nêu đu đủ (gấk pa-lay đu), Nêu Phướn (gấk xa glák)… thường được sử dụng trong các lễ cúng thần có hiến sinh trâu.

Các loại Nêu này có đặc điểm chung là được làm từ cây chò đẽo tròn, cao từ 5-6m, không sử dụng cây tre làm thân hoặc ngọn nêu, mà chỉ có một tầng trang trí phía trên. Cây Nêu được tạo hình mâm thần, với hoa văn vẽ quanh thân hoặc trang trí hình chiếc dù trên đầu nêu, cùng các diềm tua xơ làm từ vỏ cây.

Ông Đường cho biết, Nêu Phướn là một tổ hợp trang trí đặc biệt, gồm trụ gỗ chò chôn đứng (đế nêu) nối với cây tre làm thân, tiếp tục vươn lên cao và uốn cong làm ngọn. Lá phướn được treo bằng phên đan, dài thõng xuống từ ngọn cây Nêu.

Dọc theo chiều cao cây, các dải hoa văn được vẽ ôm quanh cây cột gỗ với ba màu truyền thống đỏ, đen, trắng, kết hợp với tạo hình mâm thần. Phần chân là nơi buộc trâu, không được trang trí mà chỉ tô màu trắng.

Phần trên cây Nêu dài khoảng 1m, được trang trí bằng một bộ phận có hình dáng như chiếc mâm (đồng bào Co coi là mâm thần, nơi ngự của các vị thần linh đến dự lễ). Mâm thần có đường kính khoảng 0,55m và dày 5cm. Mặt trên của mâm được tô màu trắng và trang trí vòng quanh bằng những hoa xơ vỏ cây đỏ, trắng xen nhau.

Mặt bên (cạnh tròn) quanh mâm thần được trang trí bằng hai lớp tua xơ vỏ cây màu trắng và đỏ, dài 30cm. Mặt dưới mâm thần tô màu trắng, vẽ các hoa văn vòng tròn và hình tia mặt trời, biểu trưng hoa của nữ thần Mo Cả - vợ của thần Pnon.

Cao trên mâm thần khoảng 0,8m là gubla, gồm trụ gu là cột Nêu và tai gu là bốn thanh gỗ dài 45cm, rộng 14cm, cạnh 3cm, được đẽo lõm cong thành các khấc nhô lên ở cạnh trên. Hai khấc nhô lên ở cạnh trên tai gu được trang trí hoa xơ. Nhiều tua xơ vỏ cây được móc vào cạnh dưới của bốn tai gu, tạo thành bốn dãy hoa màu đỏ trắng xòe ra bốn phía.

“Ở đầu bốn tai gu, trên đỉnh các khấc nhô lên, gắn bốn con chim chèo bẻo bằng gỗ màu đen đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Đây là những con chim mái, nhỏ hơn con chim trống trên đầu ngọn Nêu. Phía trên gubla là thân Nêu, được làm từ đoạn lồ ô (tre luồng)  dài từ 3,2 - 3,8m, đường kính từ 12 - 14cm. Đoạn lồ ô này được bọc xơ vỏ cây có màu trắng ngà (người Co gọi là mặc áo cho thân nêu)”, nghệ nhân Hồ Văn Đường chia sẻ.

Kết nối quá khứ, lan tỏa tương lai - ảnh 2
Mâm thần, nơi ngự của các vị thần linh tới dự lễ

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa

Anh Hồ Ngọc Thái, một nghệ nhân đến từ xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, đã cùng các nghệ nhân, già làng trong xã tham gia làm cây Nêu. Anh Thái chia sẻ: “Đây là dịp để thế hệ trẻ của địa phương cũng như bản thân tôi học hỏi cách vẽ hoa văn, cách làm cây Nêu mà ông bà đã để lại. Sau này, khi các chú, các bác không còn tham gia được, chúng tôi sẽ tiếp nối và truyền dạy lại cho thế hệ sau”.

Tại ngày hội, những cây Nêu rực rỡ sắc màu với các họa tiết trang trí linh thiêng đã thu hút sự chú ý. Hoa văn, hình vẽ đa dạng được chạm khắc, tô màu tạo thành dải trang trí trên Nêu, phản ánh rõ nét sự đặc sắc trong nghệ thuật trang trí của dân tộc, vốn có năng khiếu thẩm mỹ rất cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, ông Hồ Văn Thịnh cho biết: Việc bảo tồn nghi thức sinh hoạt văn hóa gắn liền với cây Nêu của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Qua sự biến đổi của thời gian, số lượng nghệ nhân ngày càng giảm, một số luật tục cũng đã bị lược bỏ…

Trong khuôn khổ Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Trà Bồng đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, cũng như chú trọng phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn mà còn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Nghệ thuật trang trí cây Nêu của người Co (huyện Trà Bồng) đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cây Nêu của đồng bào Co là cầu nối thiêng liêng giữa thần linh và con người, nơi bày tỏ lòng thành kính và cầu xin sự ban phúc, cuộc sống bình an, no đủ. Mọi người cùng hát Xà ru, múa Cà đáo, đánh cồng chiêng, thổi kèn A máp xung quanh ngọn lửa hồng tỏa ra hơi ấm nồng nàn.

Ông Hồ Văn Thịnh chia sẻ thêm: “Ngày hội giao lưu văn hóa Trưng bày trang trí cây Nêu là cơ hội để giới thiệu và quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Co đến với du khách khắp nơi.

Đồng thời, đây là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Co, kế thừa và thực hành các loại hình bản sắc văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.  

Đón bằng công nhận Nghệ thuật trang trí cây Nêu của người Co, huyện Trà Bồng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Tối 17.3, tại Quảng trường 28.8, UBND huyện Trà Bồng tổ chức lễ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghệ thuật trang trí cây Nêu của người Co, huyện Trà Bồng” (Quảng Ngãi).

Kết nối quá khứ, lan tỏa tương lai - ảnh 3
Đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghệ thuật trang trí cây Nêu của người Co, huyện Trà Bồng”

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản quý báu mà cha ông để lại, là minh chứng sống động về sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết và ý thức bảo vệ bản sắc dân tộc.

“Nghệ thuật trang trí cây Nêu của người Co, huyện Trà Bồng” không chỉ là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong các dịp lễ hội, mà còn là biểu tượng của sự giao hòa giữa con người, thiên nhiên và thế giới tâm linh.

Cây Nêu vừa là vật trang trí, vừa mang ý nghĩa sâu sắc, phản ánh ước vọng về sự bình an, thịnh vượng và sự che chở của tổ tiên, thần linh đối với cộng đồng.

Mỗi chi tiết trên cây Nêu đều chứa đựng ý nghĩa riêng biệt, từ hình dáng, màu sắc đến các biểu tượng trang trí.

Màu sắc sặc sỡ và các họa tiết tinh xảo không chỉ tạo vẻ đẹp cho cây Nêu mà còn phản ánh những giá trị văn hóa tinh thần, mang đến thông điệp về sự may mắn, hòa hợp với thiên nhiên và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Thành bày tỏ: “Tôi hy vọng với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của bà con nhân dân, Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật trang trí cây Nêu của người Co, huyện Trà Bồng sẽ ngày càng phát triển, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng.Di sản này không chỉ được gìn giữ mà còn tiếp tục lan tỏa, tỏa sáng trong đời sống đương đại, góp phần vào sự phát triển bền vững”…

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị tăng cường công tác truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm truyền dạy tại cộng đồng và trong các trường học.

Cần mở lớp và câu lạc bộ văn hóa truyền thống, tạo cơ hội cho các nghệ nhân truyền dạy giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc cho thế hệ trẻ.

“Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, giao lưu và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong các trường học, đặc biệt tại các trường phổ thông dân tộc nội trú ở huyện là việc làn cần thiết. Cùng với đó, phát triển giáo dục và đào tạo để không ngừng nâng cao trình độ học vấn, dân trí và thẩm mỹ của người dân, đồng thời đào tạo đội ngũ trí thức tại chỗ cho đồng bào Co”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghệ thuật trang trí cây Nêu của người Co, huyện Trà Bồng”.

THU HOÀI