Độc đáo nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor

NHƯ ĐỒNG

VHO - Nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor ở Quảng Ngãi khá độc đáo, khác lạ so với các dân tộc khác, thể hiện sự tinh túy trong nghệ thuật tạo hình dân gian ở khu vực Trường Sơn và vùng Tây Nguyên rộng lớn. Mới đây, Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor, huyện Trà Bồng.

Độc đáo nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor - ảnh 1
Đồng bào Cor, huyện Trà Bồng đánh chiêng, múa Cà Đáo bên cây nêu

Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor Trà Bồng ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với lễ hội ăn trâu - một sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của đồng bào Cor ở miền Tây Quảng Ngãi qua nhiều thế hệ.

Nghệ nhân nhân dân Hồ Văn Đường (73 tuổi), ở xã Sơn Trà (Trà Bồng) cho biết, bây giờ lớp trẻ nhiều người chưa biết làm và trang trí cây nêu. Vậy nên, ngoài việc chỉ dạy cho thanh niên ở làng cách làm cây nêu, tôi còn làm cây nêu mẫu để trong nhà, mục đích là sau này chúng tôi mất đi, con cháu nhìn vào mà học hỏi, bảo tồn di sản ông cha để lại.

Theo ông Đường, nghệ thuật trang trí cây nêu không biết xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng khi người Cor sinh sống tại huyện Trà Bồng thì con cháu đã thấy ông bà hằng năm đều làm cây nêu phướn với những trang trí, tạo hình mâm thần, gu thần cùng các dải hoa văn vẽ màu quanh thân cột xen kẽ với các hình ảnh rất đẹp và giàu tính nghệ thuật. Cứ hết lớp tới lớp, cha truyền con nối, nghệ thuật trang trí cây nêu được bảo tồn cho đến ngày nay.

Nghệ thuật trang trí cây nêu của dân tộc Cor là một tổ hợp trang trí khá độc đáo so với một số dân tộc khác trong khu vực, thể hiện sự tinh túy và tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên.

Dân tộc Cor có nhiều kiểu cây nêu như nêu lá chuối, nêu dù, nêu đu đủ, nhưng cây nêu phướn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dùng cho lễ cúng thần có hiến trâu là một tổ hợp trang trí rất đặc sắc làm bằng trụ gỗ chò. Khắp chiều cao cây nêu là những trang trí với những hoa văn vẽ ôm quanh cây cột gỗ với 3 màu truyền thống đỏ, đen, trắng, kết hợp với tạo hình mâm thần, gu thần, đơm cá, lá phướn...

Độc đáo nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor - ảnh 2
Di sản văn hóa của dân tộc Cor có rất nhiều điểm độc đáo, thú vị

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư (nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Càng đi sâu nghiên cứu càng bị cuốn hút bởi di sản văn hóa của dân tộc Cor, có rất nhiều điểm độc đáo, thú vị mà các dân tộc khác không hề có, tiêu biểu là cây nêu và bộ gu”.

Ông Chư cho rằng, nghệ thuật tạo hình của người Cor chủ yếu là khắc vạch phối hợp với tô màu. Hoa văn chủ yếu thể hiện trên công cụ lao động và trên các đồ cúng. Nghệ thuật tạo hình chủ yếu dùng đường nét trên một nền màu có sẵn, hoặc màu tô.

Văn hình học mà người Cor thường sử dụng là hình tròn, vuông, tam giác, thoi, bán nguyệt với nhiều phương án biến tấu khác nhau từ đường nét đến màu sắc, vô cùng phong phú và đẹp mắt. “Việc tạo hình đối với người Cor không đơn thuần để cho đẹp mắt, mà là sự gửi gắm ước nguyện đến thần linh, cầu mong thần linh phù hộ để cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Chư nhấn mạnh.

Thực hành trang trí cây nêu của người Cor độc đáo hơn những loại cây nêu của dân tộc khác ở chỗ những tri thức dân gian về chọn nguyên vật liệu, làm xơ tua vỏ cây, chế màu, đẽo khắc tạo hình, đan lát và cách sử dụng màu được tích lũy qua nhiều năm, mang dấu ấn riêng...

Đối với gu bla (gu tròn) gồm một trụ cây vuông có hai tầng, mỗi tầng gắn 8 “tai gu”. Trên trụ vuông có chia ra nhiều ô trang trí, trên 16 mặt của 8 “tai gu” trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Cũng giống như cây nêu ngoài sân, gu bla cũng là tâm điểm hành lễ ăn trâu của người Cor.

PGS.TS Võ Quang Trọng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định, các nghệ nhân người Cor có năng khiếu thẩm mỹ, tài năng sáng tạo nghệ thuật qua chế tác, trang trí đặc sắc cây nêu và gluba. Địa phương cần sưu tầm, lưu giữ cách thức làm, trang trí cây nêu của các nghệ nhân. Đồng thời phát huy loại hình di sản văn hóa kết hợp với khai thác phát triển du lịch để thu hút du khách, lan tỏa giá trị văn hóa Cor...