Lễ hội mừng lúa mới:

Hòa quyện giữa nét đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch

KHÁNH CHI

VHO - Trong khuôn khổ Dự án 6, Sở VHTTDL Quảng Nam đã triển khai việc khôi phục và bảo tồn những lễ hội truyền thống đặc sắc, trong đó Mừng lúa mới là một trong những lễ hội được ưu tiên phục dựng. Mục tiêu là bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng, đồng thời hỗ trợ các lễ hội có nguy cơ mai một, nhằm phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hòa quyện giữa nét đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch - ảnh 1
Đồng bào Tà Riềng ở Nam Giang thực hiện các nghi thức lễ cúng Thần lúa

 Sở cũng đã tiến hành khảo sát tiềm năng và tổ chức các hội nghị để lựa chọn và xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời triển khai nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với hy vọng đưa những lễ hội như Mừng lúa mới trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối văn hóa và du lịch.

Bảo tồn nghi thức cúng Thần lúa

Hằng năm, khi công việc nương rẫy đã hoàn tất và mùa màng thu hoạch xong, đồng bào vùng cao Quảng Nam lại tổ chức Lễ cúng cơm mới để tạ ơn Thần lúa đã ban tặng dân làng những hạt gạo dẻo thơm. Đây cũng là dịp bà con tạ ơn các đấng thiêng liêng đã phù hộ cho bản làng và gia đình một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ. Đồng thời, lễ hội còn là cơ hội để dân làng tụ họp, thưởng thức thành quả sau một năm lao động vất vả, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.

Đồng bào Tà Riềng thuộc nhóm dân tộc Giẻ Triêng, sinh sống lâu đời ở các xã biên giới huyện Nam Giang, có nhiều lễ hội độc đáo, tạo nên nét văn hóa đặc trưng. Mừng lúa mới (Tơl Ba Riang) là một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm ý nghĩa tâm linh, gửi gắm những ước nguyện của bà con đến Thần lúa. Nhờ sự hỗ trợ của Dự án 6, huyện Nam Giang đã thành công trong việc phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Tà Riềng tại xã Đắc Tôi, tái hiện đầy đủ không gian lễ hội, từ các nghi thức truyền thống như rước hồn lúa, cúng Thần nhà, Thần đất dưới kho lúa, cho đến lễ cúng mừng lúa mới.

Cũng trong khuôn khổ Dự án 6 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức. Các nghi thức chính của lễ hội được thực hiện bởi những già làng uy tín, được cộng đồng tiến cử. Tại đây, đồng bào Tà Riềng và Ca Dong đã tổ chức các trò chơi dân gian, trình diễn ẩm thực và lồng ghép các hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những hoạt động này không chỉ tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng mà còn tạo cơ hội giao lưu giữa đồng bào và du khách. Việc phục dựng những lễ hội độc đáo này đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nền tảng phát triển du lịch cộng đồng bền vững trong tương lai.

Hòa quyện giữa nét đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch - ảnh 2
Phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong ở Hiệp Đức

Xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, việc phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi ở Quảng Nam nói chung và cộng đồng người Tà Riềng, Ca Dong nói riêng. Việc phục dựng lễ hội với các nghi thức truyền thống không chỉ là cơ sở khoa học để xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, mà còn tạo ra nguồn tư liệu quan trọng hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các nhà khoa học. Đồng thời, đây cũng là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc phục dựng lễ hội cũng góp phần tuyên truyền, quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng về những giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, động viên, khuyến khích người dân chung tay bảo vệ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang cho biết: Ngoài mục tiêu bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng, địa phương cũng đang hướng đến việc xây dựng các lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Trong năm 2023 và 2024, địa phương đã phục dựng và tổ chức biểu diễn bốn nghi thức truyền thống, gồm Lễ mừng lúa mới của đồng bào Giẻ Triêng tại xã Đắc Tôi; các lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing, đồng bào Ve tại xã Đắc Pre; Lễ cúng đất lập làng của đồng bào Cơ Tu tại xã Zuôih... Các hoạt động này đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia.

Các địa phương trong vùng hưởng lợi từ Dự án 6 trên địa bàn Quảng Nam cũng định hướng tiếp tục phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, gắn kết với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Đồng thời, địa phương sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, qua đó nâng cao đời sống của người dân. Song song với đó, các giải pháp sẽ được triển khai nhằm tăng tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.