Hòa cùng lễ hội Thắk Côn của đồng bào Khmer

PHƯƠNG NGHI

VHO - Thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, Sóc Trăng đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, trong đó có lễ hội Thắk Côn (Cúng dừa) của người Khmer huyện Châu Thành.

 Hòa cùng lễ hội Thắk Côn của đồng bào Khmer - ảnh 1
Nghi thức cúng dừa tại Lễ hội Thắk Côn mang ý nghĩa cầu phước, cầu an

Hằng năm, tại chùa Mahasal Thatmon ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), đồng bào Khmer Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Thắk Côn còn gọi là lễ hội Cúng dừa, nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người có được cuộc sống an lành, hạnh phúc…

Ông Danh Pung, Trưởng ban quản trị chùa Mahasal Thatmon cho biết, Lễ hội Thắk Côn đã tồn tại hơn trăm năm qua, gắn với truyền thuyết về chiếc Cồng vàng của làng An Trạch xưa. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa ở An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò đất hình dạng như chiếc cồng. Ai bước chân lên, âm thanh như tiếng kim loại vang. Hiện tượng này ngày càng nhỏ dần rồi biến mất. Bà con người Khmer cho rằng đó là điều linh thiêng nên lập miếu thờ. Trong tiếng Khmer, “Thắk Côn” có nghĩa là “đạp cồng”, gợi lại sự tích tiếng cồng vang lên từ lòng đất theo bước chân người.

“Lễ vật dâng cúng trong Lễ hội Thắk Côn gồm trầu cau, hoa sen và trái dừa, mà đồng bào Khmer gọi là Slathođôn (bình bông làm bằng trái dừa). Phần cây bông được tạo thành bởi những lá trầu xanh và những bông hoa; đế cắm hoa được làm bằng trái dừa, loại quả có nước tinh khiết, ngọt lành, hiện diện trong hầu hết các lễ lộc, mang ý nghĩa cầu phước, cầu an. Trên đế cắm độc đáo bày hoa lá, nhang đèn, sắp xếp gọn ghẽ. Bình hoa Slathođôn giản dị, tiết kiệm và khá đẹp mang tính tượng trưng rất cao là lễ vật chủ yếu trong lễ hội Thắk Côn”, ông Danh Pung nói.

Lễ hội Thắk Côn diễn ra với các nghi thức chính mang tinh thần Phật giáo. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, các nghi thức chính cũng giống như lễ cầu an, sáng dâng cơm cho sư, tối mời sư tụng kinh cầu siêu, làm phước để cầu an cho dân và sau cùng là thuyết pháp cho Phật tử nghe về giáo lý nhà Phật, trong thời gian diễn ra lễ hội gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí náo nhiệt của Đoàn nghệ thuật sân khấu Dù kê truyền thống, phục vụ lễ hội từ tối đến sáng. Tất cả những nghi thức trong lễ hội phản ánh một niềm tin tuyệt đối của cư dân vùng đất có chiếc “Cồng vàng” trong truyền thuyết đối với một biểu tượng văn hóa độc nhất là chiếc cồng, một vật vừa có ý nghĩa tập hợp cộng đồng, cũng vừa là một sản phẩm của văn hóa tinh thần, nhất là khi mỗi dịp những lễ hội truyền thống thì những chiếc cồng lại vang lên trong các phum sóc của đồng bào Khmer sinh sống.

Nghi lễ cuối cùng Lễ hội Thắk Côn là những người phụ nữ An Trạch nối nhau đi ra đồng, đem những vật phẩm từ miếu Thắk Côn để dâng cúng đất đai, hồn lúa, những vị thần bảo hộ cho ruộng vườn, làng mạc, tỏ lòng biết ơn mưa thuận, gió hòa đã đem lại cuộc sống sung túc cho nhà nông một mùa màng bội thu, cho cái chu kỳ bất tận của trời đất, nắng mưa luôn mang tới no ấm, hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình.

Trần Quốc Phong, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Châu Thành cho biết, trong mỗi kỳ lễ hội, chùa Mahasal Thatmon đón hàng vạn lượt khách từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về dự lễ, nhiều nhất là du khách Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh đặc biệt còn có khách từ Campuchia đến viếng cúng. Mỗi gia đình tùy theo lời nguyện của mình mà đem theo dâng cúng, thường mỗi gia đình đem 1-2 cặp dừa dâng cúng nhưng cũng có gia đình đem đến 7-8 cặp dừa, có màu sắc khác nhau. “Họ đến đây vừa để trẩy hội, vừa thành kính dâng hương khấn Phật cầu mong cho cuộc sống được bình an. Lễ hội Thắk Côn luôn chan hòa không khí nô nức của đêm hội trăng rằm”, ông Phong nói chia sẻ.