Huyện Lang Chánh - Thanh Hoá:

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

NGUYỄN LINH

VHO - Lang Chánh là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá, nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của 3 dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh. Ngoài những lợi thế về hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan sinh thái nguyên sơ, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như Chùa Mèo, Thác Ma Hao, Thác Hón Lối... Lang Chánh còn được biết đến với những phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Với hơn 90% là dân tộc Thái, Mường sinh sống trên địa bàn, Lang Chánh có những lợi thế riêng để phát triển du lịch cộng đồng. 

Trong thời gian vừa qua, nhằm từng bước đưa doanh thu du lịch trở thành nguồn thu nhập chính để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền để người dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, khôi phục, phát triển các ngành nghề, xây dựng các câu lạc bộ dệt thổ cẩm, đan lát...

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch  - ảnh 1
Một hoạt động văn hoá, văn nghệ của người dân bản địa bản Năng Cát (huyện Lang Chánh)

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện Lang Chánh đã tổ chức phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Thái, như: khặp Thái, tục làm vía, mừng cơm mới... Sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà sàn truyền thống, các điểm vui chơi giải trí, điểm check-in, cắm trại, nghỉ dưỡng...

Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng các điểm du lịch trải nghiệm, khám phá ruộng bậc thang ở bản Ngàm Pốc, bản Peo. Xã Yên Thắng phấn đấu trong năm 2024 đón khoảng 10.000 lượt khách du lịch, trong đó có 200 lượt khách quốc tế.

Cùng với đó, những năm qua, huyện Lang Chánh đã đề ra nhiều chủ trương và giải pháp nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan.

Ban hành nghị quyết chuyên đề “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025 hình thành rõ nét, đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế của địa phương, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.

Phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, nghề, dịch vụ phát triển; du lịch Lang Chánh từng bước nằm trong tốp đầu của các huyện miền núi trong tỉnh.

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch  - ảnh 2
Thác Ma Hao (Lang Chánh) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm

Hiện nay, huyện Lang Chánh đã và đang tập trung xây dựng mới các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bản Ngàm Pốc (xã Yên Thắng); bản Ngày (xã Lâm Phú); điểm du lịch Thung Bằng (xã Đồng Lương); điểm du lịch Làng Thiền (đội 5 cũ, xã Trí Nang); điểm du lịch làng Năng Cát; điểm du lịch đền thờ Lê Lợi (xã Trí Nang)...

Cùng với đó, tổ chức các lễ hội: Lễ hội Chí Linh Sơn tại Khu du lịch sinh thái thác Ma Hao, bản Năng Cát (xã Trí Nang); Lễ hội chùa Mèo; Lễ hội Chá Mùn; Lễ hội Đền thờ Đô đốc Đài lương quận công Lê Phúc Hoạch; trưng bày và giới thiệu sản phẩm truyền thống.

Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác đầu tư nghiên cứu, bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, như: Trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực; khảo sát, sưu tầm và phục dựng các tiết mục văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường... bước đầu đã thu hút đông đảo du khách.

Việc đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Lang Chánh đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, trong quý I năm 2024, huyện Lang Chánh đón 36.000 lượt khách du lịch. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu, xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách. Xây dựng, làm mới và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, như: Du lịch sinh thái suối, thác, kết hợp với du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng...

Đồng thời, lựa chọn bản Peo, xã Yên Thắng và bản Ngày, xã Lâm Phú làm điểm xây dựng bản văn hoá gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, chú trọng khôi phục các sinh hoạt văn hóa mang sắc thái địa phương như khặp, múa sạp của người Thái, xường của người Mường; phát triển các ngành nghề truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm... để phục vụ du khách.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lang Chánh, đến cuối năm 2024, huyện sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch. Trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới, huyện sẽ chú trọng phát triển các dịch vụ hoạt động trải nghiệm phù hợp điều kiện tiềm năng từng điểm đến: đua xe đạp, du lịch dã ngoại, cắm trại, đi bộ xuyên rừng, thể thao mạo hiểm, leo núi, săn mây, khám phá hang động, thác nước... gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Phải khẳng định rằng, ở nhiều huyện miền núi, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang là hướng đi đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Và trong quá trình tổ chức thực hiện, huyện Lang Chánh đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội và tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn.

Thông qua những sự kiện này, không chỉ nhằm quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, mà còn là động lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Cũng theo UBND huyện Lang Chánh, bên cạnh việc phát huy tiềm năng lợi thế, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh khai thác mở rộng đối với các di tích, danh lam thắng cảnh, như: Thác Hón Lối (xã Giao Thiện), thác Mây (xã Trí Nang), thác Chiềng Nang (xã Giao An), chùa Mèo (xã Quang Hiến)...

Để tập trung nguồn lực phát triển du lịch thời gian tới, huyện mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để huyện tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình đề án quốc gia về phát triển du lịch ở các huyện miền núi. Đồng thời, phát huy các thế mạnh vốn có, tạo dựng các liên kết trong phát triển sản phẩm, nhất là sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Đầu tư kinh phí chống xuống cấp hàng năm đối với các di tích, danh thắng đã được công nhận. Mở lớp tập huấn bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch.