Thanh Hoá:

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

NGUYỄN LINH

VHO - Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá vừa làm việc với huyện Quan Sơn về đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, khóa XI về “Tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay”.

 Theo báo cáo, việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm của Hội được huyện Quan Sơn và Hội LHPN huyện thực hiện bài bản, linh hoạt, sáng tạo.

Qua đó, các cấp Hội trong huyện Quan Sơn đã có nhiều mô hình, cách làm hay. Hoạt động Hội được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, được hội viên, Nhân dân tin tưởng và tích cực hưởng ứng.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - ảnh 1
Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-BCH của Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, khóa XI về “Tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay”, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Quan Sơn đặc biệt đẩy mạnh vận động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ theo tôn giáo phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hội đã thành lập thêm hai tổ hợp tác; vận động hội viên tiết kiệm theo nhóm/tổ để sản xuất tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng 5 ý tưởng khởi nghiệp, trong đó có một ý tưởng đạt giải xuất sắc cấp tỉnh; hỗ trợ trên 400 lượt hội viên tiếp cận với các kiến thức kinh doanh, quản lý tài chính theo Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu 41 trẻ mồ côi; trao tặng hàng nghìn suất quà trị giá trên 1 tỷ đồng và 15 nhà mái ấm tình thương trị giá hơn 900 triệu đồng cho các hội viên, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hội LHPN huyện Quan Sơn cũng làm tốt công tác đối ngoại với 2 huyện Viêng Xay và Sầm Tớ của tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào)...

Cũng trong buổi làm việc, đoàn đã thăm mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái đen bản địa xã Tam Lư - là một trong hai mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo tại các xã miền núi biên giới từ nguồn tin nhắn 1400 ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2.