Tập huấn bảo tồn trang phục truyền thống của người Dao ở Thanh Hoá

NGUYỄN LINH

VHO - Tập huấn nhằm bồi dưỡng, trang bị phương pháp, kỹ năng tổ chức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến trang phục truyền thống cho các nghệ nhân, người có uy tín, thanh thiếu niên là người dân tộc Dao huyện Ngọc Lặc, góp phần làm tốt công tác bảo tồn, giới thiệu và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát phát triênr du lịch trên địa bàn.

 Ngày 16.5, tại xã Thạch Lập, Sở VHTTDL Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Ngọc Lặc tổ chức lớp tập huấn phương pháp bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao huyện Ngọc Lặc, phục vụ phát triển du lịch.

Tập huấn bảo tồn trang phục truyền thống của người Dao ở Thanh Hoá - ảnh 1

Các học viên tham gia tại lớp tập huấn

Tại lớp tập huấn, các học viên được trao đổi, truyền đạt, trang bị những kiến thức, kỹ năng để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa phi vật thể trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời xây dựng cho các học viên và cộng đồng những cách thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về văn hóa phi vật thể liên quan đến trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao phục vụ phát triển du lịch; khảo sát, thực hành công tác bảo tồn, phát huy, giới thiệu văn hóa phi vật thể liên quan đến trang phục truyền thống tại khu điểm du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.

Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số chủ yếu là: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc đều có đời sống vật chất, tinh thần cùng với những nét phong tục, tập quán riêng. Trong đó, trang phục truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc rất cần được bảo tổn, phát huy. 

Tập huấn bảo tồn trang phục truyền thống của người Dao ở Thanh Hoá - ảnh 2

Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trao đổi với học viên về nét đẹp trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Dao

Dân tộc Dao được chia làm hai nhóm: Dao Đỏ (từ Lào sang) cư trú ở xã Pù Nhi và xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát; Dao Quần Chẹt (từ Tuyên Quang, Hòa Bình vào) sống ở huyện Ngọc Lặc và huyện Cẩm Thủy. Trang phục của phụ nữ Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó.

Những năm qua, Thanh Hóa đã dành một nguồn lực không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển trang phục truyền thống của dân tộc Dao trên địa bàn, góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số, đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn vào cuộc sống, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.