Huyện Mường Lát, Thanh Hoá:
Giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Dao
VHO - Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với trên 1 triệu người sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 600 nghìn người. Các DTTS của Thanh Hóa chủ yếu là: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú.
Theo thống kê, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, cùng với đó là 6 dân tộc thiểu số: dân tộc Mường (401.967 người), dân tộc Thái (258.506 người), dân tộc Mông (19.166 người), dân tộc Thổ (12.675 người), dân tộc Dao (6.551 người), dân tộc Khơ Mú (1.024 người) sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Mỗi dân tộc đều mang những nét đặc trưng riêng về văn hóa tạo nên giá trị và bản sắc văn hoá xứ Thanh, rất cần được bảo tồn và phát huy.
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên là 81.240,8 ha, địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
Dân số hiện nay 40.684 người, bao gồm các thành phần dân tộc: Dân tộc Thái chiếm 44,05% tổng dân số, dân tộc Mông chiếm 43%, dân tộc Dao chiếm 2,11%, dân tộc Khơ mú chiếm 2,49%, dân tộc Mường chiếm 3,41%, các dân tộc khác chiếm 4,94%.
Trong đó, có hơn 860 người dân tộc Dao sinh sống tại các bản Suối Tút, Con Dao (Quang Chiểu), Pù Quăn, Hạ Sơn (Pù Nhi).
Sự du nhập phát triển của văn hóa mới và hội nhập quốc tế, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đang dần bị mai một. Vì vậy, nhiều năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, huyện Mường Lát luôn quan tâm tới việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.
Theo đó, hàng năm huyện Mường Lát chỉ đạo các xã có đồng bào dân tộc Dao sinh sống đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao; thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ.
Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng, nghệ nhân dạy chữ Hán Nôm Dao cho bà con dân tộc Dao.
Từ năm 2019 đến nay huyện Mường Lát đã mở được 8 lớp dạy chữ Hán Nôm Dao với 246 học viên tham gia. Sau khi học các học viên đã tích cực truyền dạy lại cho các thành viên trong gia đình và những người trong bản.
Hiện nay, các bản có người Dao sinh sống đã thành lập được 4 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Các câu lạc bộ này đã tích cực trao truyền các làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ.
Số lượng người biết đọc, biết viết chữ Hán Nôm Dao ngày càng tăng lên. Đặc biệt, số lượng phụ nữ trẻ tuổi người dân tộc Dao biết thêu trang phục truyền thống ngày càng nhiều.
Tại xã Quang Chiểu, Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.
Hàng năm, xã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà các loại hình văn hóa truyền thống, trò chơi, trò diễn của đồng bào dân tộc Dao được phát huy trong cộng đồng, đáp ứng nhu giải trí của người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu Vi Văn Thứ, cho biết: Xã có 2 bản người dân tộc Dao, dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân luôn quan tâm tới việc gìn giữ và phát huy bản sắc của dân tộc mình.
Cùng với tiếng Dao được sử dụng giao tiếp hàng ngày, trang phục được sử dụng trong các dịp lễ, tết, các sự kiện của địa phương, bà con còn tích cực tham gia học nghề thêu, học chữ Hán Nôm Dao.
Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp dạy chữ Hán Nôm Dao; sử dụng nguồn kinh phí thuộc Dự án 6, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Dao nói riêng.
Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát Lò Văn Tuấn, thời gian tới huyện sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nâng cao các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng dân tộc Dao. Vận động các nghệ nhân am hiểu văn hóa dân tộc Dao sưu tầm và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ”.