Khẳng định vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
VHO – Trong những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS đã trở thành lực lượng có vai trò và vị trí quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa và cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Các cá nhân điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023 nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 3.899 lượt người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Riêng năm 2023, có 1.282 người có uy tín (bao gồm già làng, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, người sản xuất, kinh doanh giỏi...). Đội ngũ nhân sĩ, trí thức trên địa bàn tỉnh khoảng 63.298 người, trong đó có khoảng 5.207 người DTTS, chiếm tỷ lệ 8,22%. Theo số liệu thống kê của 11 huyện miền núi, toàn vùng có 1.411 doanh nhân, trong đó số lượng doanh nhân người DTTS là 374 người, chiếm tỷ lệ 26,5%; hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, vận tải, cung ứng vật tư nông nghiệp, cây con giống... Trong những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS đã trở thành lực lượng có vai trò và vị trí quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của tỉnh và cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt, những người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS đã góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững của vùng DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, nhằm ghi nhận vai trò của người có uy tín, già làng tiêu biểu, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, doanh nhân, người sản xuất - kinh doanh giỏi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Theo đó, tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023 vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, đã có 150 cá nhân là người có uy tín, trưởng dòng họ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất kinh doanh góp phần củng cố, phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023 được tuyên dương. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các Cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, miền núi những năm qua
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh nhấn mạnh, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu thuộc vùng đồng bào các DTTS đã phát huy vai trò của mình, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều người là trung tâm đoàn kết, vận động gia đình, dòng họ, bản, làng, Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn vững mạnh. Nhiều người là tấm gương tiêu biểu trong tham gia công tác xã hội, thực sự là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp... Những việc làm đó đã trực tiếp góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực miền núi và vùng đồng bào các DTTS trong tỉnh.
Để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh trong thời gian tới, tăng cường tuyên truyền, phổ biến những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, nhất là sự phát triển đi lên của vùng DTTS&MN. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước; tích cực đấu tranh, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng đồng DTTS&MN, trọng tâm là Kết luận số 65 ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 88 ngày 18.11.2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 ngày 15/2/2020 của Chính phủ về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 624 của Tỉnh uỷ về việc ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025...
Các điển hình tiên tiến dự Hội nghị
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát; khắc phục, tháo gỡ kịp thời những hạn chế, yếu kém và khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Thường xuyên rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách để cụ thể hoá, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các địa phương, đơn vị. Tăng cường bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát; khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện miền núi cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đồng bào các DTTS, trong đó có chính sách đối với người có uy tín. Thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để phát huy vai trò của những người có uy tín trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, có khả năng vận động, dẫn dắt cộng đồng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm trong cộng đồng, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đối với đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu, cần tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững... Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái pháp luật; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng quê hương vững mạnh về chính trị, kinh tế và văn hóa, góp phần xây dựng khu vực miền núi Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của cả tỉnh.
NGUYỄN LINH