Huyện Thường Xuân, Thanh Hoá:
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thái
VHO - Thường Xuân là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hoá. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người dân tộc Thái (dân tộc Thái đen và Thái trắng) chiếm khoảng 55% dân số. Trong xu thế hội nhập, phát triển, văn hóa truyền thống của người Thái có sự tiếp biến, thay đổi cho nên cần bảo tồn gắn với phát huy bền vững bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số này.
Nhận thức được điều này trong những năm qua huyện Thường Xuân luôn quan tâm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, trong đó việc giữ gìn tiếng Thái luôn được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện.
Theo lịch sử cư trú thì người Thái di cư từ Tây Bắc xuống (một nhóm theo đường từ Hòa Bình vào, một nhóm theo đường từ Lào sang) định cư ở các xã trên địa bàn huyện. Ở Thường Xuân có các nhóm Thái như, Tày Mường (hay còn gọi là Tày Chiềng), Tày Thanh (hay Man Thanh), Tày Mười. Mặc dù thuộc nhóm Thái nào thì người Thái ở Thường Xuân cũng thuộc hai nhóm chính là Thái Trắng và Thái Đen.
Hiện nay người Thái Trắng trên địa bàn huyện Thường Xuân sinh sống chủ yếu ở các xã: Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Lộc, Xuân Thắng, Luận Khê. Người Thái Đen sinh sống chủ yếu ở các xã: Yên Nhân, Bát Mọt, Lương Sơn, Xuân Cẩm, Ngọc Phụng, Xuân Cao, Luận Thành, Tân Thành.
Tiếng Thái ở huyện Thường Xuân thường có đặc điểm là những từ đơn âm tiết và có cấu trúc khá giống trong tiếng Việt. Tiếng Thái có 5 thanh điệu: thanh cao, thanh thấp, thanh không, thanh luyến lên, thanh luyến xuống. Nhờ có thanh luyến đã tạo cho tiếng Thái giàu ngữ điệu, lên bổng xuống trầm uyển chuyển, ấn tượng, dễ nghe và lôi cuốn.
Những năm qua, huyện Thường Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy chữ Thái.
Đồng thời, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Thái và cấp chứng chỉ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở các địa phương trên địa bàn huyện. Từ năm 2018 đến nay, huyện Thường Xuân đã phối hợp với Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa mở được 2 lớp học chữ Thái, với hơn 100 học viên tham gia học tập và được cấp chứng chỉ.
Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đã tích cực truyền dạy lại cho những người khác, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc học chữ Thái... Nhờ đó, đến nay, tiếng Thái vẫn được người dân sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt gia đình, sinh hoạt tập thể, hát dân ca, các nghi lễ như, làm vía, tạ thần linh, trời đất...
Được biết, để bảo tồn và phát huy, phát triển vốn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, năm học 2017-2018 huyện Thường Xuân đã chọn Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân thí điểm dạy và học chữ Thái. Đây là trường đầu tiên trong 13 Trường THCS Dân tộc nội trú trong tỉnh Thanh Hoá mở lớp dạy tiếng và chữ viết dân tộc Thái cho các em học sinh.
Bên cạnh đó, một trong những nét đặc sắc và nổi bật trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái chính là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú, có thể kể đến các phong tục, tập quán, trang phục, ẩm thực, lễ hội... đến nay vẫn được bà con gìn giữ, ứng dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, tiêu biểu nhất là lễ hội Nàng Han, ở xã Vạn Xuân.
Đối với người Thái Mường ở xã nói chung, bản Lùm Nưa nói riêng, trong mỗi tấc đất bản mường, mỗi con sông, dòng suối, ngọn núi, rừng cây đều có thần linh cai quản, họ vừa biết ơn, vừa thiêng hóa con người và tự nhiên, chính quan niệm và tín ngưỡng trong trẻo, thuần phát đó thể hiện rõ và in dấu ấn sâu đậm trong lễ hội Nàng Han.
Lễ hội Nàng Han diễn ra vào đầu ngày xuân, chính hội vào ngày mùng 5 tết và kéo dài trong suốt cả mùa xuân. Đến nay, lễ hội Nàng Han đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, những trò trơi, trò diễn dân gian của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân cũng được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, phổ biến nhất là trò ném còn, ây là trò chơi dân gian có từ lâu đời của dân tộc Thái, được tổ chức vào các dịp lễ hội hay dịp tết, hoặc mỗi khi huyện tổ chức các sự kiện trọng đại của địa phương.
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân mà còn là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Theo ông Giáp, bên cạnh những di sản văn hóa của người Thái còn tồn tại, đã và đang được bảo vệ tốt thì có một số di sản có nguy cơ bị mai một.
Cùng với đó, là những khó khăn trong công tác bảo tồn, chủ yếu là do điều kiện nhiều thôn, bản của đồng bào còn ở xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.
Đa số các nghệ nhân đều tuổi cao, sức yếu, lại không có người tâm huyết, yêu thích học để truyền lại...
Do đó, để tiếp tục đưa các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái tiếp tục được gìn giữ và phát huy, có sức sống bền vững trong cộng đồng.
Thời gian qua, huyện đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp như, tăng cường tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trong Nhân dân; chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở để người dân có nơi tập luyện, vui chơi.
Có chính sách đãi ngộ đối với những nghệ nhân văn hóa truyền thống; đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; gắn việc phục dựng các lễ hội truyền thống, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển du lịch...