Lễ “rước rể” độc đáo của các cô gái Êđê
VHO - “Rước rể” là nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Êđê, được đồng bào gìn giữ, lưu truyền từ ngàn đời nay và hiện tại vẫn được cộng đồng người Êđê sinh sống ở buôn Drài, buôn Drài Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) thực hành.
Theo phong tục truyền thống, thông thường sau mùa rẫy, khi lúa gạo đầy kho, nhà nhà đã chuẩn bị bò, lợn, gà cùng những ché rượu được ủ kỹ... những cô gái Êđê sẽ đi tìm chàng trai mà mình muốn cưới làm chồng. Sau khi đã thấy chàng trai “ưng cái bụng”, cô gái phải nhờngười mai mối là em trai của mẹ (ông cậu) hoặc người lớn tuổi trong dòng họ nhà gái có uy tín, khỏe mạnh, am hiểu luật tục, ăn nói lưu loát. Sau đó chuẩn bị một ché rượu và một chiếc vòng đồng để ông mai mang đến nhà trai dạm hỏi. Hai bên gia đình gặp mặt, nói chuyện, nếu chàng trai cũng “ưng cái bụng” thì sẽ nhận chiếc vòng đồng làm vật đính hôn.
Tiếp đến, đại diện nhà gái sẽ dẫn cháu mình đến nhà trai để trao đổi về tục “gửi dâu”. Nhà trai sẽ thử thách lòng chung thủy, nết na, sự chịu thương, chịu khó của người con gái trong khoảng thời gian từ 1-3 năm, tùy theo sự thỏa thuận, thống nhất của hai bên. Nhà trai được thách cưới và nhà gái phải lo mọi chi phí mới được làm lễ rước rể về nhà.
Lễ rước rể diễn ra khi đã hết thời gian ở dâu bên nhà trai và nhà gái giao đủ khoản thách cưới như ấn định lúc hôn ước. Lúc này, hai bên gia đình đồng lòng nhất chí cho đôi trẻ về sống ở nhà cha mẹ vợ. Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống để thể hiện sự trang nghiêm trong ngày trọng đại. Khi đã hoàn tất các nghi thức tại nhà trai, đoàn rước rể sẽ về nhà gái. Trên đường đi, đoàn rước rể thường bị các tốp thanh niên (bạn bè, anh chị em nhà gái) trêu chọc, chặn lại đòi quà. Muốn vượt qua những chướng ngại cản trở đó, chú rể phải trao cho họ một chiếc vòng đồng. Tiếp theo, đoàn rước rể lại bị anh chị em họ hàng bên cô dâu đứng trước nhà dài đóng cửa không cho vào để đòi quà. Chú rể lại phải đưa ra một chiếc vòng đồng, một gói cơm nếp, một con gà… Người Êđê quan niệm, nếu trên đường đi gặp thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân sẽ vượt qua được những khó khăn. Từ đó, hạnh phúc sẽ bền vững hơn, cuộc sống sẽ dễ chịu và giàu sang hơn.
Khi lên nhà dài, già làng thay mặt hai họ giới thiệu ông cậu, bố, mẹ, các chị em nhà trai, nhà gái và họ hàng hai bên. Ông cậu sẽ đại diện cho nhà gái nói chuyện với bên nhà trai, nhắc lại các khoản thách cưới, món nào đã đưa, món nào còn thiếu thì hôm nay sẽ trả đủ. Sau đó, ông cậu xin phép họ nhà trai để rước rể về.
Tiếp theo, già làng sẽ lên tiếng hỏi có ai phản đối cuộc hôn nhân này không? Bên nhà gái cóđồng ý nhận chàng rể này về nhà mình không? Rồi già làng lấy bông gòn nhúng vào chiếc bát tô bằng đồng đã hòa máu của con vật hiến sinh, quét lên chân đôi vợ chồng trẻ ba lần. Như vậy, cuộc hôn nhân xem như đã cósự chứng giám và chúc phúc của thần linh. Sau đó, già làng trao vòng cho đôi trẻ đểtuyên bố với họhàng hai bên và dân làng rằng: Từ nay hai người chính thức là vợ chồng, phải thương yêu nhau, không được đổi thay, cùng siêng năng làm rẫy, nuôi dưỡng con cái, sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái sẽ phải bồi thường đầy đủ sính lễ.
Sau nghi thức này, ông cậu mời các thành viên trong gia đình, họ hàng, bạn bè trao quà cưới cho cô dâu, chú rể. Thường cha mẹ chồng sẽ tặng cho con trai về nhà vợ chiếc chăn, cái xà gạc, chén bát và tặng cho chị gái cô dâu một cái gùi, một bộ váy áo thổ cẩm. Còn quà cưới của họ hàng, bạn bè, bà con chủ yếu là chăn thổ cẩm, đồ gia dụng…
Kết thúc các nghi thức, đại diện nhà gái mời ông bà, cha mẹ, họhàng đôi bên và khách khứa ngồi xuống mâm cùng ăn cơm, uống rượu đểchúc mừng hạnh phúc đôi trẻ. Đây cũng là bữa cơm đầu tiên hai vợ chồng ăn tại nhà vợ.
Già làng sẽ thay mặt quan viên hai họvà cặp vợ chồng mới cưới bày tỏ lòng cảm ơn và báo cho mọi người biết mọi việc đã xong xuôi tốt đẹp. Từ nay, họ đã chính thức trở thành một gia đình nhỏ, nếu cóngười nào trong buôn, ngoài buôn gây chuyện thì phải đền hết tất cả chi phí lễ vật rước rể.