Người nặng lòng với đàn Klông-pút của dân tộc Xơ Đăng
VHO- Lo sợ nguy cơ biến mất của tiếng đàn Klông-pút trong nhịp sống hiện đại, nhiều năm qua nghệ nhân Y Sinh đã đứng ra truyền dạy cho thế hệ trẻ cách chơi loại nhạc cụ độc đáo này, với mong muốn những giai điệu của tre nứa sẽ mãi lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Xơ Đăng.
Đồng bào Xơ Đăng trình diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt nam
Cũng như tiếng sáo Đinh-tút của người Giẻ Triêng, tiếng đàn Goong của người Bah Nar hay đàn Đing-năm của người Êđê… Đàn Klông-pút là một loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng, thường sử dụng vào các dịp lễ hội được tổ chức tại buôn làng. Ai có dịp ghé thăm không gian văn hóa dân tộc Xơ Đăng thuộc Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chắc hẳn đều không thể nào quên được tiếng đàn Klông-pút trầm bổng của nghệ nhân Y Sinh.
Nghệ nhân Y Sinh giới thiệu: “Thuở ban đầu, người phụ nữ Xơ Đăng chỉ chơi đàn vào mùa phát rẫy và càng về khuya, tiếng đàn càng vang xa khiến sâu bọ không dám phá hại hoa màu. Thú dữ nghe âm thanh rộn ràng của tiếng đàn cũng sợ mà tránh xa nương rẫy. Người Xơ Đăng còn quan niệm, ống lồ ô thường được dùng để đựng hạt giống nên ai biết cách làm cho tiếng nhạc phát ra từ ống cây đó, thì “mẹ lúa” sẽ giúp mùa màng năm ấy tốt tươi, thuận lợi. Trong tình yêu đôi lứa, tiếng đàn Klông- pút còn là phương tiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của người con gái nên âm thanh càng sâu lắng và vô cùng thiết tha…”.
Nói rồi, người nghệ nhân đã 62 tuổi ấy lại tỉ mẩn chỉ cho chúng tôi xem, về cách mà người Xơ Đăng ở Kon Tum sáng tạo ra chiếc đàn. Trước đây đàn Klông-pút chỉ có 6 ống nhưng về sau này để bản nhạc mang nhiều âm điệu hơn, thì số lượng ống cũng được tăng lên, tùy theo cách chơi của mỗi người. Ống ngắn chừng 70-80 cm, còn ống dài thì lên đến 1,5 mét, với đường kính từ 5-8 cm và được kết lại với nhau bằng sợi mây rừng. Khi chơi đàn, người phụ nữ hơi khom người khum hai bàn tay lại rồi vỗ để luồng hơi từ hai bàn tay phát ra lùa vào miệng ống. Hơi sẽ làm chuyển động cột khí bên trong bật ra ngoài tạo thành âm thanh. Nghĩa là người sử dụng không cần chạm tay vào nhạc cụ.
Âm điệu cao, thấp khác nhau tuỳ cách vỗ mạnh hay nhẹ. Với chiếc đàn Klông-pút người chơi có thể “vỗ’’ trọn vẹn những bài dân ca, hát Ayray (dạng nói thơ vần) trong lễ Mừng lúa mới; Cúng Mùa làm đất; Cúng lễ giọt nước; Múa trong nhà Rông…Còn nếu muốn bài hát có âm điệu trầm bổng, luyến láy dài thì phải cần tới 3 bộ đàn với nhiều người cùng chơi. Không chỉ phụ nữ, đàn ông Xơ Đăng nhiều người cũng say mê làm đàn và chơi đàn lắm!
Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đàn Klông-pút đã thay người Xơ Đăng kể về những con thác đổ ầm ầm trắng xóa, những đàn voi rừng hoang dã và ánh mắt sáng ngời của người con gái giữa Tây Nguyên đại ngàn. Quả thực rất khó để có thể tìm ra thứ thanh âm nào khiến trí tưởng tượng của con người ta bay xa đến vậy!
Nghệ nhân Y Sinh say mê bên cây đàn Klông-pút
Trong nhịp sống hiện đại tiếng đàn Klông-pút đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi số người biết làm và chơi đàn còn rất ít. Nghệ nhân Y Sinh tâm sự: “Trên địa bàn huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông, chỉ một số làng trong xã Đăk Sao, Đăk Na mới có người biết làm Klông-pút. Khi trình diễn tại đêm hội của buôn làng Tây Nguyên, không ít già làng đã bật khóc, bởi rất lâu rồi không được nghe âm thanh của loại nhạc cụ này. Và họ khóc không phải chỉ vì xúc động, mà còn bởi nỗi lo người trẻ không chơi đàn Klông-pút nữa!”
Bằng kinh nghiệm của bản thân và lòng tự hào dân tộc, nhiều năm qua nghệ nhân Y Sinh đã cất công đi tìm những người muốn học trên khắp các buôn làng Tây Nguyên để truyền đạt cách chơi đàn Klông-pút. Những khóa học ấy được tổ chức tại không gian riêng của dân tộc Xơ Đăng, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
“Nhưng muốn học và biểu diễn đàn Klông-pút theo bài bản của người Xơ Đăng thì không dễ một chút nào. Bởi ngoài yếu tố kỹ thuật, sự đam mê, điều quan trọng nhất là phải hiểu sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình. Muốn am hiểu tường tận về bản sắc văn hóa của dân tộc Xơ Đăng cần một khoảng thời gian rất dài”, nghệ nhân Y Sinh trăn trở!
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của chiếc đàn Klông-pút vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng khi được quan sát cách mà nghệ nhân Y Sinh giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình với mọi người, tận tình chỉ dạy cho những nghệ nhân trẻ, tôi luôn tin rằng dẫu có đi qua bao thăng trầm của lịch sử, bao biến động của buôn làng, thì tiếng đàn Klông-pút vẫn sẽ còn vang trong gió núi và mây ngàn của Tây Nguyên hùng vĩ. Thanh âm ấy cũng không thể mai một trong đời sống dân tộc Xơ Đăng, vì còn có những người như nghệ nhân Y Sinh: Suốt cuộc đời mình, vẫn nặng lòng với đàn Klông-pút…
Bài, ảnh: VŨ MỪNG