Cộng đồng kể chuyện văn hóa:

Hành trình hồi sinh văn hóa Cơ Tu ở Hòa Vang

NGỌC HÀ

VHO - Trong làn sóng công nghệ 4.0, người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vẫn âm thầm dệt nên tấm lưới văn hóa bền chặt từ ký ức đại ngàn. Từng câu hát lý, nói lý, từng điệu múa Tung tung da dá, từng tấm thổ cẩm được dệt thủ công không chỉ là di sản, mà còn là minh chứng sống động cho bản lĩnh gìn giữ cội nguồn giữa thời đại hội nhập.

Hành trình hồi sinh văn hóa Cơ Tu ở Hòa Vang - ảnh 1
Già làng các thôn hát lý, nói lý trong “Lễ ăn thề kết nghĩa anh em” của người Cơ Tu

 Trên hành trình ấy, những già làng, nghệ nhân chính những “cầu nối thế hệ”, truyền lửa đam mê và niềm tự hào văn hóa đến lớp trẻ Cơ Tu. Bằng trí nhớ và đôi tay tài hoa, bằng tình yêu tha thiết với núi rừng, họ đã đưa văn hóa dân tộc mình thăng hoa trong lòng thời đại mới.

Gieo mầm di sản từ cộng đồng

Tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), các lớp học nói lý - hát lý thu hút ngày càng đông thanh niên, học sinh tham gia. Đây là kết quả của đề án bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu do UBND TP Đà Nẵng triển khai, với trọng tâm là khôi phục các loại hình nghệ thuật, trang phục, kiến trúc và nghề truyền thống.

Huyện Hòa Vang đã thành lập nhiều CLB hát lý - nói lý, mời già làng, nghệ nhân uy tín tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ. Một trong những người tiên phong là già làng Bùi Văn Siêng, nghệ nhân thôn Giàn Bí.

Là người có khả năng hát lý - nói lý nhuần nhuyễn, ông đã tâm huyết soạn lại hơn 50 bài hát lý, mỗi bài gắn liền với một phong tục, một hoàn cảnh riêng trong đời sống cộng đồng.

“Hát lý không học một ngày hay một buổi mà xong. Nhưng cứ dạy từ từ, bà con rồi sẽ hiểu, sẽ yêu. Tôi nói với lớp trẻ, hát lý là học để giữ quê mình trong từng lời ca”, ông Siêng chia sẻ.

Từ những lớp học ban đầu, nghệ thuật hát lý - nói lý dần trở lại trong đám cưới, lễ hội, lễ kết nghĩa anh em… Nhiều người như ông A Lăng Mỹ, một học viên tiêu biểu, giờ đây đã có thể đứng ra hát lý tại các sự kiện của thôn.

“Tôi tự tin thể hiện vì đây là cách người Cơ Tu kết nối, chào đón nhau bằng lời ca mộc mạc, chân thành”, ông Mỹ nói đầy tự hào.

Theo ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, các lớp dạy nghề truyền thống như đan lát, dệt vải, hát lý đều được mở miễn phí và hỗ trợ kinh phí cho học viên. Điều đáng mừng là bà con tham gia rất đầy đủ, chủ động, tự nguyện, cho thấy ý thức rõ ràng trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

Không dừng lại ở cộng đồng người lớn, các trường học ở Tà Lang, Giàn Bí còn đưa văn hóa Cơ Tu vào chương trình ngoại khóa. Từ lớp mẫu giáo đến THCS, học sinh được “trải nghiệm thực tế” các hoạt động truyền thống, tạo nền tảng từ sớm cho tình yêu văn hóa dân tộc. Đó là cách để trẻ em Cơ Tu hiểu về cội nguồn, về niềm tự hào của chính mình.

Hành trình hồi sinh văn hóa Cơ Tu ở Hòa Vang - ảnh 2
“Vũ điệu dâng trời” của người Cơ Tu vẫn hiện lên phóng khoáng, cuốn hút trong mỗi dịp lễ hội

Mỗi câu chuyện văn hóa là một sản phẩm du lịch

Tại Hòa Vang, đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Cơ Tu đã và đang được triển khai một cách bài bản, hiệu quả. Bên cạnh việc khôi phục các loại hình nghệ thuật như múa Tung tung da dá, hát lý - nói lý, nghề dệt thổ cẩm…, địa phương còn hướng đến mục tiêu lâu dài: Biến mỗi giá trị văn hóa thành một sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc.

Từ năm 2023, Hòa Vang đã mở các lớp đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng, đặc biệt chú trọng việc kể chuyện văn hóa, một hình thức truyền tải giá trị truyền thống đầy hấp dẫn.

Đối tượng được ưu tiên gồm học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và các chủ homestay tại Tà Lang, Giàn Bí - những người trực tiếp tương tác với du khách. Họ được học cách kể lại nguồn gốc lễ hội, phong tục, nghệ thuật, để không gian du lịch trở thành nơi giao thoa văn hóa sống động giữa chủ và khách.

“Người dân các thôn Tà Lang, Giàn Bí giờ đây làm du lịch theo nhóm: Nhóm đan lát, nhóm dệt vải, nhóm múa, nhóm ẩm thực, nhóm hướng dẫn viên… Họ vừa là người kể chuyện văn hóa, vừa là người gìn giữ bản sắc”, ông Hồ Phú Thanh chia sẻ.

Hiện toàn xã có 21 điểm du lịch, khi có khách, các nhóm sẵn sàng phục vụ, đưa văn hóa Cơ Tu đến gần hơn với du khách, đặc biệt là khách quốc tế, những người luôn tò mò và háo hức được khám phá bản sắc địa phương.

Một trong những người gắn bó với du lịch cộng đồng từ buổi đầu là ông Nguyễn Văn Trung, chủ homestay Trung Tam (thôn Tà Lang). Hiện ông đang là người dẫn chương trình các tour trải nghiệm văn hóa Cơ Tu cho sinh viên, du khách trong và ngoài nước. Ông cho rằng việc gắn văn hóa với du lịch không chỉ giúp khơi dậy bản sắc mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững:

“Dù tiến độ khôi phục một số loại hình nghệ thuật còn chậm, nhưng hiệu quả đã rõ rệt. Những lễ hội như tháng 4 vừa rồi cho thấy thanh niên Cơ Tu vẫn rất mặn mà với truyền thống. Văn hóa dân tộc đã ngấm vào lớp trẻ từ mẫu giáo trở lên”.

Già làng Bùi Văn Siêng, người tích cực trong nhóm du lịch cộng đồng liên thôn, cũng khẳng định: “Muốn làm du lịch tốt, người Cơ Tu phải giữ gìn bản sắc của mình. Từ phong tục, ẩm thực, đến nghề truyền thống, tất cả là niềm tự hào, là điều du khách tìm đến. Nếu không có văn hóa, thì làm du lịch chỉ là hình thức”.

Người dân Tà Lang, Giàn Bí còn góp hiện vật, vật dụng truyền thống để xây dựng nhà cộng đồng - nơi trưng bày, tái hiện không gian văn hóa Cơ Tu. Mỗi người một tay, ai có gì góp nấy, để cùng tạo nên một bản làng không chỉ tiếp đón du khách, mà còn gìn giữ ký ức của dân tộc mình.

Từ những lời kể mộc mạc, những điệu múa thiêng, đến từng tấm thổ cẩm và nếp nhà cộng đồng - mỗi chi tiết đều chứa đựng một câu chuyện văn hóa. Và khi những câu chuyện ấy được kể bằng trái tim của người bản địa, chúng trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần gìn giữ di sản và nâng cao sinh kế cho cộng đồng.