Kon Tum:

Hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông

NGUYỄN BÁ THÀNH

VHO - Trong hành trình phát triển bền vững, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) không chỉ chú trọng kinh tế mà còn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng – cộng đồng chiếm 95% dân số toàn huyện. Với sự vào cuộc quyết liệt, bài bản của chính quyền các cấp và sự đồng lòng của người dân, văn hóa truyền thống Xơ Đăng đang được khơi dậy mạnh mẽ, trở thành động lực nội sinh cho sự phát triển lâu dài.

Hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông - ảnh 1
Toàn huyện Tu Mơ Rông có 86/86 thôn, làng có nhà rông, trong đó 45 thôn, làng vẫn giữ được nhà rông truyền thống

Là huyện vùng cao với địa hình hiểm trở và điều kiện phát triển còn nhiều khó khăn, Tu Mơ Rông vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng, một di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong giai đoạn 2021–2025, Huyện ủy, UBND huyện Tu Mơ Rông đã ban hành hàng loạt chương trình, kế hoạch cụ thể: từ bảo tồn cồng chiêng, phục hồi nhà rông truyền thống, mở lớp truyền dạy các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn..., cho đến tổ chức các hội thi, liên hoan nghệ thuật, sáng tác văn học – nghệ thuật địa phương.

Hiện toàn huyện có hơn 200 bộ cồng chiêng, trong đó riêng giai đoạn 2021–2023 đã cấp mới 33 bộ cho các thôn, làng chưa có.

Các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng và múa xoang được mở rộng, thu hút nhiều nghệ nhân và thanh thiếu niên tham gia. 

Hằng năm, huyện tổ chức Liên hoan cồng chiêng nhân dịp phiên chợ Sâm Ngọc Linh… không chỉ là hoạt động văn hóa mà còn là điểm nhấn du lịch mang đậm màu sắc bản địa.

Hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông - ảnh 2
Hàng năm, huyện Tu Mơ Rông đều tổ chức Hội thi cồng, chiêng xoang đồng bào dân tộc Xơ Đăng, đây không chỉ là hoạt động văn hoá mà còn là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với địa phương

Không dừng lại ở cồng chiêng, hệ thống nhà rông, biểu tượng văn hóa cộng đồng của người Xơ Đăng cũng được quan tâm bảo tồn.

Hiện nay, 86/86 thôn trong huyện đều có nhà rông, trong đó 45 nhà rông được giữ nguyên theo kiểu truyền thống với nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên.

Giai đoạn 2021 – 2025, huyện đã đầu tư xây mới, sửa chữa 12 nhà rông với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, một phần đáng kể được huy động từ sự đóng góp của chính người dân địa phương.

Huyện Tu Mơ Rông xác định: để văn hóa sống lâu, cần bắt đầu từ thế hệ trẻ. Vì thế, ngành giáo dục đã tích cực đưa các nội dung văn hóa truyền thống vào trường học thông qua dạy học tích hợp, hoạt động ngoại khóa, hội thi cồng chiêng, trang phục dân tộc, diễn xướng dân ca...

Các trường dân tộc nội trú hiện nay đã triển khai mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội, sự kiện, tạo nên sự kết nối giữa học sinh và cội nguồn văn hóa.

Nhiều em đã biết sử dụng nhạc cụ truyền thống, tự tin tham gia biểu diễn, truyền cảm hứng cho bạn bè và gia đình.

Hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông - ảnh 3
Huyện Tu Mơ Rông đặc biệt chú ý đến công tác truyền lửa cho thế hệ trẻ thông qua việc tổ chức Liên hoan cồng chiêng, xoang lứa thanh thiếu niên hằng năm

Đáng chú ý, năm 2022, huyện Tu Mơ Rông lần đầu tiên phát động Cuộc vận động sáng tác văn học – nghệ thuật với chủ đề gắn liền với quê hương, con người, văn hóa dân tộc.

Hơn 250 tác phẩm ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, nhạc, tranh, ảnh đã ra đời, khắc họa sâu sắc vẻ đẹp văn hóa Xơ Đăng trong thời kỳ đổi mới.

Đây không chỉ là sân chơi cho văn nghệ sĩ mà còn là cách lan tỏa văn hóa một cách sáng tạo, hiện đại. Huyện đã trao 37 giải thưởng, đồng thời vinh danh các cá nhân, tập thể có đóng góp cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật địa phương.

Ông Phạm Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, có thể nói, chúng tôi không làm theo kiểu “phong trào” mà kiên trì thực hiện từng phần việc cụ thể, từ cơ sở.

Trong 03 năm qua, chúng tôi đã cấp cồng chiêng cho hàng chục thôn, làng, tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, khôi phục nghề thủ công, phát triển du lịch văn hóa.

Nhà rông truyền thống được giữ gìn, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Quan trọng nhất là ý thức gìn giữ văn hóa trong cộng đồng đã thay đổi, nhất là trong lớp trẻ.

Hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông - ảnh 4
Hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông - ảnh 5
Nhờ làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, ý thức gìn giữ văn hóa trong cộng đồng đã thay đổi, nhất là trong lớp trẻ

Ông Quang cho biết thêm, trong giai đoạn tới, chúng tôi tiếp tục kiên định với phương châm “Gìn giữ để phát triển”. Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhận thức đặc biệt là trong thanh thiếu niên. Đây là lực lượng kế cận, cần được truyền cảm hứng văn hóa từ sớm.

Chúng tôi cũng sẽ đề xuất tăng cường ngân sách cho lĩnh vực bảo tồn văn hóa; mở rộng các lớp truyền dạy; tổ chức định kỳ Ngày hội văn hóa các dân tộc; nâng cao vai trò của già làng, nghệ nhân và đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.

Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành để hình thành các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa, đặc biệt là quanh khu vực sâm Ngọc Linh để vừa bảo tồn nguồn gen quý, vừa tạo sinh kế cho người dân.

"Không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn, những gì chính quyền và nhân dân Tu Mơ Rông đang thực hiện là một chiến lược dài hơi để giữ gìn hồn cốt dân tộc trong quá trình phát triển.

Từ tiếng chiêng vọng núi đến mái nhà rông giữa làng, từ khung cửi thổ cẩm đến lễ hội thiêng liêng, tất cả đang hòa quyện vào dòng chảy hiện đại, tạo nên một Tu Mơ Rông vừa mang đậm bản sắc, vừa vững vàng hội nhập", ông Quang chia sẻ.

Hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông - ảnh 6
Huyện Tu Mơ Rông xác định làm tốt công tác bảo tồn văn hoá truyền thống để phát triển du lịch, gắn với thương hiệu Sâm Ngọc Linh

Từ những bước đi kiên trì và bài bản trong bảo tồn cồng chiêng, phục dựng nhà rông, duy trì nghề truyền thống, đến việc đưa văn hóa dân tộc vào trường học và phát động sáng tác nghệ thuật, huyện Tu Mơ Rông đang thắp lên ngọn lửa văn hóa Xơ Đăng một cách mạnh mẽ, sâu rộng và bền vững. Đó không chỉ là sự gìn giữ quá khứ, mà còn là cách tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.

Với quyết tâm của chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân và tầm nhìn dài hạn, Tu Mơ Rông đang viết tiếp hành trình gìn giữ hồn thiêng văn hóa, một hành trình không chỉ vì hôm nay, mà còn vì mai sau.