Kon Tum: Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang huyện Tu Mơ Rông

NGỌC HOÀ

VHO - Sáng 28.11, tại Quảng trường Trung tâm huyện Tu Mơ Rông, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tổ chức Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lần thứ II năm 2024.

Kon Tum: Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang huyện Tu Mơ Rông  - ảnh 1
Đây là lần thứ 2 huyện Tu Mơ Rông tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào dân tộc người Xơ Đăng

Hội thi cồng chiêng, xoang năm nay thu hút 11 đội của 11 xã trên địa bàn huyện tham gia. Mỗi đội thi có khoảng 25 thành viên trở lên, bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau.

Mỗi phần thi kéo dài không quá 35 phút và gồm 5 nội dung: giới thiệu truyền thống văn hóa Xơ Đăng, trình bày các chính sách bảo tồn cồng chiêng, tái hiện nghi lễ truyền thống, trình diễn cồng chiêng kết hợp múa xoang và chỉnh âm cồng chiêng.

Kon Tum: Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang huyện Tu Mơ Rông  - ảnh 2
Các đội thi sẽ tranh tài ở 5 nội dung

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Trưởng ban tổ chức Hội thi cho biết, Hội thi cồng chiêng, xoang năm nay là một trong 5 sự kiện do huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần Văn hoá – Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024, cũng như kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tu Mơ Rông.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, đồng bào dân tộc Xơ Đăng chiếm đến 95% dân số của huyện. Hiện nay, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông hiện vẫn gìn giữ được hệ thống lễ hội diễn ra quanh năm; từ nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp cho đến những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.

Bên cạnh đó, còn có cả một kho tàng về tri thức văn học nghệ thuật dân gian như: hát kể sử thi, điệu múa xoang, nhịp cồng chiêng uyển chuyển mê hoặc lòng người được đồng bào dân tộc Xơ Đăng gìn giữ… Tất cả tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo và quý giá.

Kon Tum: Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang huyện Tu Mơ Rông  - ảnh 3
Phần thi tái hiện nghi lễ truyền thống của đồng bào Xơ Đăng

Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, những năm qua, huyện đã chủ động sưu tầm, quản lý và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Xơ Đăng nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu lớn về văn hóa đã được xác định trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đồng thời, huyện xác định du lịch là hướng đi chiến lược nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững, và việc bảo tồn văn hóa dân tộc Xơ Đăng là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển này.

Để cụ thể hoá bằng hành động, huyện đã triển khai nhiều chính sách như: trao tặng cồng chiêng cho các làng, mở lớp dạy đánh và chỉnh chiêng miễn phí, đưa cồng chiêng vào chương trình học, và tổ chức các hội thi để khuyến khích giao lưu văn hóa.

Nhờ đó, từ chỗ đối diện nguy cơ mai một, văn hóa cồng chiêng nay đã có thế hệ trẻ kế thừa tài năng, đồng thời góp phần thu hút du khách, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

“Thông qua hội thi, đồng bào Xơ Đăng cùng say sưa biểu diễn những bài chiêng, điệu xoang, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc. Các bài thi tập trung vào tình yêu quê hương đất nước, yêu bản làng, lòng tự hào dân tộc. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi văn hoá Xơ Đăng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, chứng tỏ các chính sách bảo tồn văn hoá mà địa phương triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực”, Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nhấn mạnh.

Hội thi diễn ra trong 2 ngày 28 - 29.11.