Kon Tum:

Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà

NGỌC HOÀ

VHO - Sáng ngày 8.11, tại Không gian “Đăk Hà – Ngày mùa”, UBND huyện Đăk Hà (Kon Tum) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum tổ chức Khai mạc Hội thi Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số lần thứ II. Đây là một trong chuỗi các hoạt động của tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II, năm 2024.

Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà  - ảnh 1
Hội thi cồng chiêng - xoang các dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà lần thứ II năm 2024 thu hút hơn 300 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham dự

Hội thi có sự tham gia của trên 300 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các Câu lạc bộ Văn hóa dân gian, các đội cồng chiêng – xoang các lứa tuổi trên địa bàn huyện tham gia giao lưu, trình diễn.

Hội thi năm nay có các nội dung đa dạng, đặc sắc như: giao lưu cồng chiêng – xoang; Tái hiện lại các nghi thức dân gian, các lễ hội truyền thống của người Banah, Xê đăng, như mừng chiến thắng, mừng nhà Rông mới, mừng ăn lúa mới;

Tái hiện lại các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày của bà con dân làng, như: giã gạo, đánh bắt cá tôm ở sông, suối… Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú thể hiện các tác phẩm do mình sáng tác với nội dung ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ…

Trao đổi với Văn Hoá, anh Hoàng Lê Thành Chương ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cho biết, trước đây mỗi khi các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum tổ chức các lễ hội, ngày hội văn hoá truyền thống anh đều thu xếp thời gian để đi xem và trải nghiệm.

“Hai năm trở lại đây, từ khi huyện Đăk Hà cho ra mắt không gian “Đăk Hà ngày mùa” thì việc tổ chức những hội thi biểu diễn cồng chiêng - xoang, ngày hội văn hoá hay phiên chợ nông sản sạch được diễn ra thường xuyên. Qua đó tạo điều kiện cho người dân chúng tôi được tiếp cận, trải nghiệm những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở địa phương mình. Tôi thấy việc tổ chức những hội thi, lễ hội như thế này rất hay và ý nghĩa”, anh Chương nói.

Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà  - ảnh 2
Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đội thi

Theo bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, việc tổ chức Hội thi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Nâng cao lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, xoang, nhất là thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số.

Hội thi được tổ chức từ cấp xã đến huyện, thu hút nhiều đội cồng chiêng, xoang tại các thôn dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, thị trấn tham gia. Qua hội thi sẽ lựa chọn được đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang tiêu biểu xuất sắc ở cấp huyện tham gia hội thi cấp tỉnh.

“Đây là hoạt động thiết thực, tạo điều kiện để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian giao lưu, học hỏi, là cầu nối thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn; Bồi đắp lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, xoang, nhất là thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số”, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Hà nhấn mạnh.

Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà  - ảnh 3
Tiết mục tái hiện Lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng - Tơ Đ'Rá của Đội nghệ nhân xã Ngọc Réo

Tham dự hội thi năm nay, đội nghệ nhân xã Ngọk Réo mang đến tiết mục tái hiện lại Lễ mừng lúa mới của người Xơ đăng - Tơ Đ'Rá - một nghi thức truyền thống gắn bó lâu đời với người dân xã Ngọk Réo.

Nghệ nhân Y Der, xã Ngọk Réo chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi cùng đội nghệ nhân của xã tham gia hội thi cấp huyện. Trước khi đến Hội thi, các nghệ nhân trên địa bàn xã đã gác lại công việc thu hái cà phê để tập trung các đội cồng chiêng, xoang tập luyện hơn 10 ngày. Ai cũng phấn khởi để chuẩn bị từ trang phục, đồ trang sức đến các đạo cụ đúng theo phong tục truyền thống. Quá trình tham gia biểu diễn, được người dân, du khách đón nhận, chúng tôi cảm thấy rất vui”.

Còn đối với anh A Trời (SN 1991), dân tộc Xơ Đăng (nhánh Tơ Đ'rá) thuộc đội văn nghệ dân gian xã Ngọk Réo cho biết: Bản thân em rất đam mê văn hóa dân gian, nhất là các điệu xoang, những bài cồng chiêng của dân tộc mình.

“Em đã tham gia biểu diễn nhiều nơi, trong và ngoài tỉnh tại các sự kiện văn hóa lớn. Tuy nhiên khi về với hoạt động của địa phương, em cũng cố gắng hết sức để biểu diễn sao cho thật đẹp, thật nhuyễn để giới thiệu văn hóa của mình đến với nhân dân, du khách trong và ngoài huyện.

Ở sự kiện này, em cũng có điều kiện giao lưu với các nghệ nhân dân gian ở nhiều lứa tuổi, được tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước và chia sẻ với các bạn trẻ. Qua đó, góp phần bồi đắp tình yêu, lòng tự hào về không gian văn hóa cồng chiêng để thế hệ trẻ chúng em cùng có trách nhiệm gìn giữ, phát huy”, A Trời bày tỏ.

Hội thi diễn ra trong hai ngày 8 và 9.11.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc