Giữ hồn quê hương trên vùng đất mới
VHO - Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, theo phong trào làm kinh tế mới, nhiều hộ đồng bào Tày, Nùng đã rời vùng núi phía Bắc di cư đến khắp các địa phương trong cả nước, trong đó có xã Ea Ly, huyện Sông Hinh (Phú Yên).
Dù đã “bám rễ” nơi vùng đất mới, nhưng bà con vẫn luôn gìn giữ bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng niềm đam mê với câu hát Then, cây đàn Tính để vơi đi nỗi nhớ quê nhà…
Vì cuộc sống mưu sinh, bà Lương Thị Hỷ phải di cư từ Cao Bằng vào Phú Yên, nhưng không vì thế mà bà quên câu hát Then. Đối với bà, việc gìn giữ và lưu truyền hát Then như là cách giữ hồn quê hương trên vùng đất mới. “Sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, từ nhỏ tôi đã nghe các bà, các mẹ hát Then, và câu hát cứ dần thấm vào tâm hồn tôi. Rời quê vào đây lập nghiệp đã mấy chục năm qua, nhưng cây đàn Tính cùng điệu hát Then vẫn luôn bên tôi trong những lúc nông nhàn, hay vào mỗi dịp lễ, Tết”, bà Hỷ bày tỏ.
Đam mê nghệ thuật truyền thống và tình yêu với hát Then của bà Hỷ đã lan tỏa đến những người con xa quê, thậm chí cả với người dân gốc địa phương, gắn kết họ với nhau, để từ đó CLB Hát Then xã Ea Ly ra đời vào năm 2014. Đến nay, CLB đã có 16 thành viên độ tuổi từ 40 - 60, sinh hoạt định kỳ vào hai tối cuối tuần.
Bà Hỷ cũng chia sẻ, cứ khi xong việc nhà, việc đồng áng, đặc biệt vào ngày lễ, Tết, các bà, các cô lại cùng hát cho nhau nghe và ôn luyện các câu ca, điệu nhạc chuẩn bị cho hoạt động lễ hội của cộng đồng. “Cao Bằng chúng tôi đá nhiều hơn đất nên cuộc sống rất khó khăn. Thế nhưng, nhờ giai điệu đàn Tính và lời hát Then vang vọng, mà biết bao thế hệ cha ông đã vượt qua gian khó để trường tồn và phát triển. Bởi vậy, khi đi đến vùng đất mới lập nghiệp, chúng tôi cũng không quên mang theo món ăn tinh thần này”, bà Lương Thị Hỷ tâm sự.
Còn ông Nguyễn Đình Sao (dân tộc Tày) cũng là một người dành tình yêu đặc biệt cho điệu hát Then và cây đàn Tính. Ông Sao tâm sự, sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn, từ nhỏ ông thường xuyên được nghe lời hát của bà, tiếng đàn của mẹ. Cứ như thế, những câu hát và tiếng đàn theo ông lớn dần và ngấm vào máu thịt. “Tôi vào Ea Ly lập nghiệp đã được 31 năm. Cứ khi xong công việc, có thời gian rảnh là tôi lại ngân nga những câu Then và say cùng âm điệu của cây đàn Tính”, ông Nguyễn Đình Sao nói.
Để có người kế thừa lời hát Then và biết đánh đàn Tính trên vùng đất Sông Hinh, ông Nguyễn Đình Sao bày tỏ: “Nếu không có người giữ lửa và trao truyền thì những giá trị này sẽ sớm mai một. Bởi lẽ đó, tôi đã bỏ nhiều thời gian cũng như tâm huyết chỉ dạy các học viên trong CLB Hát Then. Để có thể hát đúng điệu cần khá nhiều thời gian và công sức luyện tập. Muốn học hát Then phải thật sự đam mê nó, người học phải mắt thấy, tai nghe, tay sờ để cảm nhận…”.
Ông Phan Ngọc Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh cho biết, giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ Tây Âu được du nhập, việc làm của bà Lương Thị Hỷ, ông Nguyễn Đình Sao và những anh chị em đang sinh hoạt trong CLB truyền thống đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, nhất là lưu giữ những làn điệu hát Then với cây đàn Tính trên vùng đất này.
Theo ông Phan Ngọc Cường, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Sông Hinh đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, gắn với phát triển du lịch”. Ngoài ra, huyện tiếp tục tuyên truyền và cùng chung tay với xã Ea Ly duy trì, nhân rộng để hát Then, đàn Tính đến được với nhiều bà con hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho CLB Hát Then đi lưu diễn nhiều nơi, hỗ trợ chi phí đi lại, trang phục và kinh phí mua đàn Tính để bà con có động lực gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc.