Giữ gìn tiếng hát, điệu múa dân gian của đồng bào Khmer

PHƯƠNG NGHI

VHO - Thời gian qua Câu lạc bộ múa hát Rom Vong (CLB) ấp An Phú, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao (Kiên Giang) luôn hoạt động hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích góp phần vào việc triển khai hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại địa phương.

Giữ gìn tiếng hát, điệu múa dân gian của đồng bào Khmer - ảnh 1
CLB múa hát Rom Vong ấp An Phú sinh hoạt, luyện tập vào buổi tối hai ngày cuối tuần

Múa hát Rom Vong (hay múa Lâm Thôn) là một sinh hoạt tinh thần quan trọng trong các dịp lễ, tết, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Hoạt động dân gian này giúp mang lại niềm vui phấn khởi sau ngày làm việc mệt nhọc. Trải qua quá trình dài trao truyền, sáng tạo và chắt lọc, múa Rom Vong trở thành môn nghệ thuật dân gian phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Khmer.

Có dịp thưởng thức tiết mục múa do các thành viên CLB ấp An Phú biểu diễn, chúng tôi bị cuốn hút bởi điệu múa uyển chuyển hòa quyện trong tiếng nhạc tạo không khí vui tươi, hấp dẫn.

Anh Danh Nghiệp, Chủ nhiệm CLB ấp An Phú cho biết: “Hầu hết các điệu múa truyền thống Khmer đều vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay, chân theo từng điệu nhạc. Múa Rom Vong chiếm vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể gắn cuộc sống đời thường, các lễ hội cổ truyền của dân tộc như Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng như trống sadam, chiêng, dàn nhạc ngũ âm… Tôi rất vui khi được cùng bà con và các em, cháu trong CLB sinh hoạt các bài hát, điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer”.

CLB có hơn 20 thành viên, mỗi người với công việc, hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là tình yêu với nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer. Trong quá trình hoạt động, Câu lạc bộ gặp khó khăn về trang phục nên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Kinh phí hoạt động của CLB chủ yếu là nguồn đóng góp từ các thành viên.

Nhưng với niềm đam mê, trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các thành viên trong CLB đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động. Hầu hết các thành viên của CLB tích cực tham gia sinh hoạt, luyện tập vào buổi tối của hai ngày cuối tuần.

Giữ gìn tiếng hát, điệu múa dân gian của đồng bào Khmer - ảnh 2
CLB biểu diễn phục vụ nhân dân dịp tết Chôl Chnăm Thmây

Nội dung sinh hoạt được Ban chủ nhiệm câu lạc bộ chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản nhằm mang lại hiệu quả trong từng buổi sinh hoạt. Việc duy trì tham gia sinh hoạt CLB tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các thành viên giao lưu, giải trí, trau dồi kỹ năng hát, múa, từ đó thêm yêu điệu múa Rom Vong, có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Chị Danh Kim Xứng thành viên CLB đi làm công ty xa nhà nhưng mỗi khi về nhà đúng dịp CLB sinh hoạt hay dịp lễ, tết truyền thống là chị đều tham gia. Chị Danh Kim Xứng chia sẻ: “Em được cô chú dạy và được đi múa phục vụ trong các dịp lễ, tết ở các nơi nên em rất thích”.

Hiện CLB hát những bài hát Khmer trẻ trung, hiện đại hoặc trình diễn những điệu múa truyền thống như Rom vong, Ka bách, Lăm leo, Sa ra vanh… Đi đến đâu, họ cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con. Những tình cảm đó giúp các thành viên trong CLB có thêm niềm tin, nghị lực để gắn bó với những điệu múa, bài hát, giai điệu truyền thống.

Để thúc đẩy hoạt động văn nghệ cho bà con dân tộc Khmer tại địa phương, UBND xã Vĩnh Phước B đã tạo mọi điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khi CLB đề xuất.

Chủ tịch xã Vĩnh Phước B Nguyễn Văn Tâm thông tin: “Ở góc độ địa phương, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ CLB một phần kinh phí theo quy định trong các sự kiện. Vì vậy, muốn CLB phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục mang đến niềm vui cho bà con thì phải gắn kết được với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền và ngành chuyên môn”.

Hiện nay, Câu lạc bộ múa hát Rom Vong ấp An Phú được xem là đơn vị nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Vĩnh Phước B. Hằng năm, CLB tham gia dàn dựng chương trình để biểu diễn phục vụ nhân dân vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương.

Ngoài ra, trong các đại hội, hội nghị, hội thi văn nghệ của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đều có sự tham gia biểu diễn của các thành viên trong câu lạc bộ. Từ khi thành lập đến nay, CLB múa hát Rom Vong ấp An Phú có hàng trăm tiết mục được biểu diễn, thu hút nhiều lượt người xem.