Giồng Riềng thực hiện mục tiêu “kép”

UYÊN PHƯƠNG

VHO - Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, từ năm 2021 đến nay, cùng với phát triển kinh tế, việc giữ gìn, phát huy bản sắc các dân tộc được cấp ủy, chính quyền huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đặc biệt quan tâm là nguồn lực quan trọng “tiếp sức” cho Giồng Riềng thực hiện mục tiêu “kép”, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer để phát triển du lịch.

 Giồng Riềng thực hiện mục tiêu “kép” - ảnh 1
Câu lạc bộ Dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng tham gia biểu diễn phục vụ vào dịp lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer

 Dù bận mưu sinh, học tập nhưng các thành viên Câu lạc bộ Dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng thường xuyên sinh hoạt, luyện tập, thỏa mãn niềm đam mê văn nghệ dân tộc. Anh Danh Dệ, Chủ nhiệm câu lạc bộ Dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi cho biết: “Các điệu múa Khmer chiếm vị trí quan trọng trong các sinh hoạt tập thể gắn cuộc sống đời thường. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng như trống sadăm, chiêng, dàn nhạc ngũ âm…Câu lạc bộ hiện có 22 thành viên, có thành viên lao động, sản xuất tại địa phương, có thành viên đi làm xa. Thời gian qua câu lạc bộ duy trì sinh hoạt hằng tháng, các thành viên trong câu lạc bộ đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động”.

Chị Thạch Sa Ry thành viên Câu lạc bộ dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi cho biết: “Tôi yêu văn hóa của dân tộc Khmer, sau những buổi phụ giúp mẹ buôn bán, làm việc nhà tôi tranh thủ đến chùa để tham gia tập luyện văn nghệ cùng các chị. Sau thời gian tập luyện thuần thục được tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer, nên rất vui”.

Bên cạnh việc bảo tồn các điệu múa truyền thống, các sư sãi, acha của các chùa, cũng dành sự quan tâm đến việc bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống. Tại Chùa Cái Đuốc Lớn, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng cứ đều đặn diễn ra lớp học nhạc cụ truyền thống, những thanh âm trong trẻo, rộn ràng khiến người nghe như hòa vào không khí lễ hội náo nhiệt của đồng bào mỗi dịp lễ, tết.

Em Danh Phát, ấp Cái Đuốc Lớn, xã Ngọc Chúc cho biết: “Em thích nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Mỗi khi trong xóm có đám cưới mở nhạc truyền thống hay tới mùa đua ghe ngo, nhà chùa tổ chức nghi lễ hạ thủy ghe ngo, các bác chơi nhạc cụ phục vụ rất hay. Nghe tin chùa mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống của dân tộc, em đăng ký học. Ban đầu em cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thầy chỉ dẫn nhiệt tình giúp em biết cách đánh một số bài nhạc truyền thống”.

Thời gian qua, thực hiện Dự án 6, huyện Giồng Riềng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cải tạo công trình Nhà Văn hóa - Thông tin ấp, với tổng kinh phí gần 1,4 tỉ đồng. Đồng thời, hỗ trợ 20 bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc cho các xã Vĩnh Thạnh, Bàn Tân Định, Ngọc Chúc, Ngọc Hòa, Bàn Thạch với kinh phí 134 triệu đồng; hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm cho xã Bàn Tân Định, với kinh phí 70 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa ghe ngo, với kinh phí 150 triệu đồng (chùa Nha Si Mới, xã Vĩnh Thạnh).

Ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết, huyện Giồng Riềng hiện có 10 ghe ngo (trong đó có 4 ghe ngo còn sử dụng), huyện đã tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các chùa đóng ghe ngo, với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Việc tạo điều kiện các môn thể thao truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các cấp, các ngành chú trọng phát huy, phục vụ tốt các ngày lễ hội. Hằng năm, đội đua ghe đều tham gia giải nhân Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang do tỉnh tổ chức.

“Đối với đồng bào Khmer, các loại hình nghệ thuật truyền thống, vừa là phương tiện thực hành các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, vừa là hình thức giải trí quan trọng hằng ngày của bà con. Do vậy, từ sự lan tỏa trong quá trình cộng cư, đã trở thành phương tiện giao lưu, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng chặt chẽ trong thời gian qua”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer đều hướng đến sự gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết, đây là yếu tố cần thiết để thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong xóm, ấp chung sức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Trong tiếng đàn, tiếng trống ngân vang, người dân cùng nhau nhảy múa, hát những bài hát quen thuộc. Thông qua các câu hát, điệu múa, người dân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn của đồng bào Khmer đối với các vị anh hùng dân tộc.