Thừa Thiên Huế:
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo
VHO - Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động và đưa 1.925 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có nhiều lao động ở vùng nông thôn và miền núi, góp phần giảm nghèo tại các địa phương.
Đào tạo nghề và kết nối việc làm cho vùng nông thôn
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch triển khai chương trình hàng năm.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở đã chủ động, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai công tác kết nối thông tin cung - cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp thông qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh.
Đến nay, Trung tâm đã tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm (tại Trung tâm 13 phiên, tại các trường đại học, cao đẳng và địa phương 3 phiên), có hơn 3.190 lượt lao động, 276 lượt doanh nghiệp tham gia với cầu tuyển sinh, tuyển dụng 46.592 vị trí việc làm.
100% người lao động, trong đó có hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Cùng với đó, Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở; tổ chức các hội nghị, hội thảo, Ngày hội việc làm - tư vấn tuyển sinh. Tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề cho người dân, nhất là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động nông thôn, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,… để những đối tượng này có định hướng học nghề, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm đến hết ngày 30.9.2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 15.058 người lao động, đạt 88,58% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1.925 người, đạt 93,90% so với kế hoạch năm 2024.
“Hệ thống kết nối cung - cầu lao động trên nền tảng số được đầu tư phát triển, công tác dự báo cung - cầu lao động được thực hiện thường xuyên, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp và người lao động tương tác với nhau trên môi trường mạng. Qua đó, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động nói chung, trong đó các lao động lao động ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có thể tiếp cận và tìm kiếm việc làm phù hợp” - đại diện lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Cùng với các chính sách về việc làm, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Qua đó, đào tạo nghề góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng Nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 8.338 người, trong đó 1.762 học sinh, sinh viên học trình độ cao đẳng, trung cấp; 2.511 người học trình độ sơ cấp; và 4.065 người được đào tạo các nghề khác với thời gian dưới 3 tháng.
Hỗ trợ lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài
Trong năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đưa 2.050 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đến nay đã đạt hơn 93% kế hoạch. Ông Đặng Hữu Phúc cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch thực hiện chương trình việc làm, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ chi phí ban đầu cho các đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ đầu năm đến nay, Sở LĐTB&XH đã tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ cho 318 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó, có 13 trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và 10 trường hợp thuộc huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển.
Ngoài ra, người lao động trên địa bàn tỉnh cũng đã được vay vốn và tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần giảm gánh nặng chi phí, góp phần khuyến khích người lao động tham gia thị trường lao động ngoài nước.
Tại huyện Phú Vang, trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 700 người đi lao động nước ngoài, trong đó độ tuổi thanh niên chiếm hơn 90%. Huyện Phú Vang là địa phương đứng thứ 2 của tỉnh Thừa Thiên Huế về số người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Ước tính số tiền hàng năm các lao động gửi về ở mức từ 15 đến 20 triệu USD, dao động trên dưới 400 tỉ đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương và giảm nghèo bền vững.
Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: Chính sách giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào miền núi được quan tâm, đẩy mạnh; đặc biệt là công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động góp phần giảm nghèo bền vững.
Hiện số lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các địa phương này có tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động của tỉnh. Số lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn ít mặc dù các cấp chính quyền đã có nhiều chính sách hỗ trợ.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện để người lao động tại các địa phương vùng nông thôn, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận với các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ các Chương trình ký kết của Chính phủ Việt Nam với các Chính phủ nước ngoài (chương trình EPS, EPA…), nhằm hạn chế rủi ro, giảm bớt chi phí cho người lao động.
Đồng thời, kết nối với các dự án, các chương trình hỗ trợ phi lợi nhuận đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn đi làm việc ở nước ngoài, từ đó góp phần tạo việc làm cho lao động có hoàn cảnh khó khăn của địa phương miền núi, đồng thời thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững”- ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giúp người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định. Qua đó, đưa tỉ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2% vào cuối năm 2025 theo Nghị quyết số 11/NQ/TU của Tỉnh ủy.