Giảm nghèo bền vững từ vùng nông thôn mới Quảng Thọ

Bài, ảnh: SƠN THÙY

VHO - Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) nay đã đổi thay và phát triển với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, mức thu nhập của người dân tăng và bền vững, cùng với nhiều tiện ích đạt chuẩn của một xã nông thôn mới nâng cao.

Bền vững với thương hiệu “Rau má Quảng Thọ”

Những năm qua, tuyến đường đi qua xã Quảng Thọ - quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được mở rộng và nâng cấp khang góp phần thuận lợi cho giao thông liên huyện, liên tỉnh và mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Giảm nghèo bền vững từ vùng nông thôn mới Quảng Thọ  - ảnh 1
Xã Quảng Thọ hiện có hơn 70 hec-ta rau má, trong đó khoảng 57 hec-ta chuẩn VietGap và hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân.

Là địa bàn có lợi thế về nông nghiệp, đặc biệt thương hiệu “Rau má Quảng Thọ” đã được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến từ nhiều năm qua đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2020, sản phẩm “Trà rau má Quảng Thọ” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chuẩn 4 sao.

Theo ông Trần Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, đến nay trên địa bàn xã có hơn 70 hec-ta diện tích trồng rau má; trong đó, có gần 57 hec-ta chuẩn VietGap và hữu cơ, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đầu ra, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, xã Quảng Thọ cũng đang được triển khai chương trình quốc gia về việc đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm OCOP là rau má.

Từ một loại rau có giá trị thấp, nhưng với sự đa dạng hóa sản phẩm từ rau má đã tạo được thương hiệu riêng cho rau má Quảng Thọ. Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ, cho biết: sản lượng thu hoạch rau má tươi của người dân địa phương khoảng 2.500 tấn, trong đó Hợp tác xã thu mua khoảng 500 tấn và chế biến thành các sản phẩm như: trà rau má, rau má sấy khô, bột matcha rau má… cung ứng và phân phối cho thị trường các tỉnh thành trong nước, chủ yếu là các địa phương miền Bắc.

Giảm nghèo bền vững từ vùng nông thôn mới Quảng Thọ  - ảnh 2
Xây dựng mô hình xã thông minh, xã Quảng Thọ quản lý dân cư và các hoạt động xã hội hiệu quả qua hệ thống điều hành và giám sát thông minh

“Trừ khi bị lũ lụt, còn gần như rau má được trồng và thu hoạch quanh năm, tạo việc làm và nguồn thu bền vững cho lao động nông thôn. Hiện nay, chúng tôi cũng khuyến khích và vận động bà con trồng rau má hữu cơ, đảm bảo chất lượng và giá trị, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và mang tính bền vững”- ông Nguyễn Lương Trí thông tin.

Trong quá trình xây dựng mô hình xã thông minh, Quảng Thọ cũng đã đẩy mạnh triển khai các nội dung về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ đã sớm tham gia quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng mã vùng sản xuất và trích xuất nguồn gốc sản phẩm…

Giảm nghèo hiệu quả từ các chương trình

Đầu tháng 10.2024, xã Quảng Thọ vừa đón nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao. Đây là xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Quảng Điền, và đang tiếp tục xây dựng để đích đến là xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Việc xây dựng Nông thôn mới ở Quảng Thọ đã đạt nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt là gắn với công tác giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được quan tâm thực hiện kịp thời, có hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững…

Giảm nghèo bền vững từ vùng nông thôn mới Quảng Thọ  - ảnh 3
"Trà rau má Quảng Thọ" sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao của tỉnh Thừa Thiên Huế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo nên công tác xóa nghèo trong những năm qua tại xã Quảng Thọ đã đạt được những kết quả tích cực. Cuối năm 2020, xã Quảng Thọ còn 130 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 6,6%; đến cuối 2021 còn 95 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 5,16%.

Thông qua đầu tư các nguồn lực, triển khai các chương trình, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cùng với sự nỗ lực của người dân, đến cuối năm 2022 còn 41 hộ nghèo và đến nay còn 10 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,53%. Các hộ nghèo còn lại tại địa phương là những hộ neo đơn, người già, người không có khả năng lao động.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Trần Phúc, cho biết: ngoài thế mạnh về trồng trọt rau má - nguyên liệu của sản phẩm OCOP của tỉnh, thì nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt tại địa phương cũng đã và đang mang lại việc làm và giá  trị kinh tế bền vững cho người dân. Hiện nay, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 57 triệu/người/năm; đồng thời, 100% nhà ở của dân cư trên địa bàn xã đã đạt chuẩn “3 cứng” theo quy định của Bộ Xây dựng.

Giảm nghèo bền vững từ vùng nông thôn mới Quảng Thọ  - ảnh 4
Tuyến đường qua trung tâm xã Quảng Thọ được mở rộng khang trang, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, từ đầu năm đến nay, địa phương cũng đã triển khai mô hình chăn nuôi hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2024, cùng các hộ thoát nghèo từ các năm trước đó để đảm bảo không “tái nghèo”.

Số hộ thuộc diện được hỗ  trợ là 162 nhưng chỉ có 72 hộ đăng ký, gồm: 27 hộ nuôi lợn với 143 con lợn giống; 23 hộ nuôi 46 con bò và 20 hộ nuôi 3.600 con gà… Để đảm bảo hiệu quả, xã Quảng Thọ phân công đại diện Hội Nông dân xã, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã làm tổ trưởng các tổ cộng đồng hỗ trợ sinh kế nói trên.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: huyện  đã triển khai kế hoạch vận động cán bộ, công chức các ban, ngành trên địa bàn hỗ trợ 10 hộ nghèo còn lại của xã Quảng Thọ để thoát nghèo. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Thọ không còn hộ nghèo; đồng thời, đặt mục tiêu xây dựng Quảng Thọ đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu.