Tạo dấu ấn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
VHO - Kiên Giang là một trong 4 tỉnh/thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn ưu tiên thực hiện Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và Phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, là một lợi thế để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP.
Đến nay, Kiên Giang đã có 101/116 xã và 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 9/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 huyện nông thôn mới nâng cao), 116/116 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 40 xã nông thôn mới nâng cao và 15 xã kiểu mẫu). Và chương trình OCOP là một trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm để thực hiện mục tiêu này.
Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có lợi thế về ẩm thực, cảnh sắc làng quê, vườn cây trái, sản phẩm OCOP và những di tích văn hóa, lịch sử, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là Vườn quốc gia U Minh Thượng khiến nơi đây có tiềm năng, lợi thế phát triển loại hình du lịch nông thôn. Chị Trương Bé Diễm - hướng dẫn viên Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết: “Vào dịp lễ, tết hoặc cuối tuần, du khách đến vườn đông. Du khách thường trải nghiệm đi vỏ lãi vào rừng ngắm hệ sinh thái ngập nước, trải nghiệm câu cá, nhổ bồn bồn và thưởng thức đặc sản”.Thời gian gần đây, nhiều khách du lịch chọn tham quan trang trại lúa mùa Tư Việt, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành. Anh Trần Ngọc Tuấn, ngụ TP. Rạch Giá cho biết: “Tôi đến đây cho các con trải nghiệm hoạt động làm lúa mùa và cảm nhận sự vất vả của ông cha ta làm ra hạt lúa, gạo. Qua trải nghiệm thực tế giúp các con tăng cường kỹ năng sống”.
Với nỗ lực trong việc phục dựng phiên bản “Đời sống sản xuất lúa mùa”, ông Lê Quốc Việt - chủ trang trại lúa mùa Tư Việt liên kết với các hộ xung quanh để mở rộng diện tích làm lúa mùa; đồng thời làm nông trại kiểu xưa đón khách đến tham quan, trải nghiệm làm lúa mùa kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa. Đến đây, du khách được tìm lại kỷ niệm một thời về văn hóa lúa mùa xưa, trải nghiệm cách trồng lúa mùa xưa với các hoạt động nhổ mạ, cấy lúa, gặt, đập lúa, xay lúa, giã gạo…
Đại diện Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh Kiên Giang đã công nhận được 108 sản phẩm OCOP và có 45 nghề truyền thống, 3 làng nghề, 4 làng nghề truyền thống được công nhận. Theo kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, trong năm 2022, tỉnh công nhận từ 50 sản phẩm trở lên và phấn đấu đến năm 2025 công nhận ít nhất 190 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…
Để quảng bá sản phẩm OCOP, trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP giới thiệu, trưng bày, quảng bá tại các khu, điểm du lịch. Kiên Giang chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp gắn chương trình OCOP và làng nghề truyền thống. Trong đó, tỉnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng; bảo tồn các làng nghề truyền thống có tiềm năng du lịch như nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ (Giang Thành); chế biến nước mắm, trồng tiêu, rượu sim, nuôi trồng, chế tác và mua bán ngọc trai (TP. Phú Quốc); dệt chiếu Tà Niên (Châu Thành)...
Nhằm phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, thu thập và hiện trạng kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, nâng cao cuộc sống người nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Kiên Giang, ông Trần Công Danh cho biết: Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có ít nhất 4 điểm du lịch nông thôn trên địa bàn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và định hướng 5 sao; năm 2030 có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đặt ra cho thời gian tới là tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, đồng hành với phát triển du lịch nông thôn, nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường tại nông thôn", ông Trần Công Danh nói.
Song song đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hóa địa phương, đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm cho du khách...Đáng chú ý, với nhóm giải pháp về chất lượng sản phẩm, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hóa địa phương. Kêu gọi đầu tư, phát triển các dịch vụ bổ sung cho du lịch nông thôn cũng như quan tâm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách để kéo dài thời gian lưu trú và tăng doanh thu cho ngành du lịch. Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm của HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đặc biệt, sẽ phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị, mẫu mã sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các combo quà tặng, quà lưu niệm từ sản phẩm OCOP gắn với các điểm, khu du lịch cộng đồng tại địa phương và thành phố du lịch như Phú Quốc và Hà Tiên. Gắn chất lượng sản phẩm với nhu cầu thị trường và các yêu cầu trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP. Xây dựng bản đồ các điểm du lịch nông thôn được đánh giá, phân hạng, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn.
Việc phát triển du lịch nông thôn gắn chương trình OCOP nhằm khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế khu vực nông thôn, phát triển hệ thống chuỗi giá trị kinh tế khu vực nông thôn theo hướng bền vững, hướng đến phát triển cân đối quy mô kinh tế giữa thành thị và nông thôn; tạo việc làm hiệu quả tại nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc...
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
NGỌC ĐAN