Thanh Hoá:
Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
VHO - Là vùng đất lịch sử giàu truyền thống văn hóa, nơi còn lưu giữ rất nhiều các giá trị văn hóa dân tộc với hơn 1.500 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; 755 di sản văn hoá phi vật thể với gần 300 lễ hội, lễ tục, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn dân gian…, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được tỉnh Thanh Hoá đặt vị trí ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Thực hiện mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là “xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống”, Thanh Hoá đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đối với công tác bảo tồn và phát triển văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nòng cốt là củng cố, nâng cao chất lượng trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhằm phát triển văn hóa nông thôn, gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, đạt chất lượng hiệu quả, khơi dậy tinh thần cộng đồng của nhân dân trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở vùng nông thôn.
Đặc biệt, nhiều địa phương tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử, tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Đồng thời phát triển kênh thông tin để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân, tạo bước đột phá trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đa phần các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá đã bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa, thể thao.
Các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ được thành lập và duy trì khắp nơi; các địa phương tổ chức ngày càng nhiều các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng... như câu lạc bộ: Dân ca Đông Anh (xã Đông Khê, Đông Sơn), Văn hóa nghệ thuật chèo Hợp Xuân (xã Hoằng Đồng), Trống hội cung đình (xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa), Hát dân ca (xã Xuân Hòa, Thọ Xuân), Tuồng, chèo (xã Quảng Bình, Quảng Xương), Chèo dân gian (xã Hoa Lộc, Hậu Lộc), cồng chiêng ở nhiều huyện miền núi...
Thống kê từ VHTTDL Thanh Hoá, giai đoạn 2021-2023, có 50 công trình, dự án/lượt di tích được đầu tư tu bổ, bảo quản, phục hồi, chống xuống cấp. Tổng kinh phí đã được huy động cho công tác tu bổ lên đến 396,94 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 43 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 228 tỉ đồng; ngân sách huyện gần 48,5 tỉ đồng, còn lại là các nguồn huy động hợp pháp khác.
Theo đó, hàng loạt di tích đã được trùng tu, tu bổ khang trang, như: Khu lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng (xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc), đền thờ quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần (xã Xuân Hòa, Thọ Xuân), điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang (xã Định Hòa, Yên Định), đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa)... Việc triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của tỉnh Thanh Hoá về bảo tồn, tu bổ chống xuống cấp các di tích đã được thực thi có hiệu quả.
Nhiều di tích đã trở thành quần thể văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách tham quan, như: Khu Lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng, Di tích lịch sử văn hóa Nghè Vẹt (Vĩnh Lộc); Trận địa pháo đồi C4 - Khu di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (Ngọc Lặc); Chính điện - Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); Di tích Hang Con Moong (Thạch Thành); đền thờ Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa); Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (Thọ Xuân)...
Bên cạnh đó, các địa phương của tỉnh Thanh Hoá đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị công nhận các loại hình văn hóa phi vật thể đưa vào di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ đó khai thác tốt các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đã phát huy được giá trị to lớn, tiêu biểu như: Trò diễn Xuân Phả (xã Xuân Trường, Thọ Xuân); Lễ hội Trò Chiềng (xã Yên Ninh, Yên Định); Trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê (xã Đông Khê, Đông Sơn); Nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa) - xã về đích NTM kiểu mẫu...
Các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc cũng được phục dựng và phát triển, như: Lễ hội Mường Xia, Lễ hội Mường Ca Da, Lễ hội Nàng Nga - Hai Mối, Lễ cấp sắc của người Dao; mo, hát ru, lễ tục làm vía kéo si (dân tộc Mường); tục cầu mưa (dân tộc Khơ Mú); chữ viết, lễ cầu nước, khặp (dân tộc Thái); trang phục của dân tộc Thổ...
Trong thời gian tới, để các giá trị văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân, Thanh Hoá sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa.
Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới.