Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi:

Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

NGUYỄN LINH - LƯƠNG DIỄN

VHO - Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã chủ động tìm hướng đi mới, vươn lên thoát nghèo và góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững - ảnh 1
Mô hình trồng nho của gia đình anh Hoàng Anh Tuấn

 Trong thời kỳ hiện đại, những người nông dân không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, mà còn thể hiện sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm, phát triển mô hình nông nghiệp mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dám nghĩ dám làm, chủ động tìm hướng đi mới

Một trong những tấm gương điển hình là anh Hoàng Anh Tuấn (SN 1986), dân tộc Mường, xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, anh trở về quê hương và quyết định chọn con đường làm kinh tế.

Những năm đầu khởi nghiệp, anh thuê 1.000m² đất để trồng đào phai. Chỉ sau 4 năm, anh đã mở rộng diện tích trang trại lên 2 ha, kết hợp trồng thêm rau má và tía tô, mang lại doanh thu lên đến 300-400 triệu đồng mỗi năm.

Không dừng lại ở đó, năm 2021, anh Tuấn gây bất ngờ khi quyết định dành 7.000m² đất trên diện tích trang trại trồng nho Kyoho Nhật Bản và nho sữa Hàn Quốc.

Chia sẻ về dự án mới, anh Tuấn cho biết, việc chăm sóc nho không hề dễ dàng, đòi hỏi phải cắt tỉa cành, ngắt lá đúng chu kỳ sinh trưởng để đảm bảo chất lượng quả. Những nỗ lực của anh đã được đền đáp khi vườn nho thu hoạch thành công, giá bán lên đến 100.000 đồng/kg đối với nho Kyoho và dự kiến từ 300.000-400.000 đồng/kg với nho sữa Hàn Quốc.

Sản lượng ước tính từ vụ đầu tiên đạt khoảng 2 tấn, từ các vụ sau sẽ dao động từ 10-15 tấn/lứa, thu nhập có thể lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/ người/tháng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Như Thanh nhận định: “Anh Hoàng Anh Tuấn là một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ dám làm, luôn chủ động tìm kiếm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Sự thành công của anh đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều hộ nông dân khác, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp miền núi”.

Cũng là một trong số nông dân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của huyện Bá Thước (Thanh Hóa), anh Lục Văn Nam (SN 1986) là người dân tộc Mường, sống tại thôn Khuyn, xã Cổ Lũng.

Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp và kinh doanh dịch vụ của gia đình anh đã thu hút sự chú ý bởi cách ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, lợi nhuận hằng năm có thể đạt gần 250 triệu sau khi trừ hết chi phí. Điều ấn tượng nhất ở anh Nam là sự nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho người dân trong vùng.

Anh đã trực tiếp hướng dẫn 15 hộ dân khác, giúp 3 lao động có việc làm và hỗ trợ 3 hộ nghèo thoát cảnh thiếu đói. Thành tích của anh không chỉ là sự khẳng định của một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn là minh chứng cho tinh thần cống hiến, sẻ chia vì cộng đồng.

Không ngại vượt khó, có ngày hái quả ngọt

Câu chuyện của ông Triệu Phúc Hiến, người dân tộc Dao (SN 1964), trú tại thôn Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, cũng tạo nguồn cảm hứng, khích lệ cho hàng nghìn nông dân xứ Thanh. Sự thành công của ông không chỉ đến từ sự chăm chỉ mà còn nhờ việc mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh tế mới.

Ông Hiến sở hữu mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn với hơn 90 ha đất lâm nghiệp trồng keo giấy và 2.000m² chuồng trại chăn nuôi dê. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông đạt hơn 525 triệu đồng, trong đó 400 triệu từ trồng keo và 125 triệu từ chăn nuôi dê.

“Ban đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn và kỹ thuật trồng rừng, nhưng tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực hết mình, không để khó khăn cản trở”, ông Hiến chia sẻ. Bằng sự kiên trì, chăm chỉ, mô hình kinh tế đã mang lại cho gia đình ông một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho 7-10 lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/tháng.

5 năm qua, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đã giúp khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp của hàng triệu hộ gia đình. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những mô hình kinh tế hiệu quả, những nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi là minh chứng cho sự thành công của Phong trào.

Tới đây, Hội nghị “Biểu dương nông dân tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” sẽ diễn ra tại Thanh Hóa. Đây là dịp tôn vinh những cá nhân xuất sắc, động viên, khích lệ bà con tiếp tục vươn lên, thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.