Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn

NHƯ ĐỒNG

VHO – Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, cùng quyết tâm cao của người dân, xã Bình Khương đã có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, được đánh giá là điểm sáng của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 1
Ngôi nhà mới của vợ chồng anh Bùi Tấn Sinh, chị Yến

Ưu tiên hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho hộ nghèo

Từng là hộ cận nghèo, cả gia đình sống nương tựa vào người thân. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Bùi Tấn Sinh, chị Yến đã làm được ngôi nhà cấp 4 kiên cố, diện tích trên 60 mét vuông.

Năm 2023, được sự quan tâm của địa phương, từ nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ gia đình anh Sinh 92 triệu đồng để làm nhà, bà con dòng họ cùng hỗ trợ ngày công giúp vợ chồng anh.

Vợ chồng anh Sinh có hoàn cảnh khó khăn, bản thân vợ bị mắc bệnh câm điếc, nuôi hai con nhỏ ăn học, nên việc tự xây nhà mới dường như là điều không thể với vợ chồng anh chị. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người thân ước mơ được sống trong ngôi nhà vững chãi của vợ chồng anh Sinh đã thành hiện thực.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 2
Chị Yến may gia công tại nhà

Hiện gia đình đã vươn lên thoát nghèo, bản thân anh Sinh đi làm công nhân ở khu công nghiệp, chị Yến may gia công tại nhà, cuộc sống ổn định hơn.

Ngoài ra, vợ chồng anh được địa phương quan tâm hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 3
Hỗ trợ bò cái sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Theo UBND xã Bình Khương, việc hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện cho người dân cải thiện đời sống luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Từ dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, năm 2022 địa phương đã cấp 5 con bò cái sinh sản cho 5 hộ; từ nguồn của Mặt trận cấp trên năm 2021 cấp 6 con bò cái sinh sản, từ năm 2022 đến nay mỗi năm cấp 1 con. Hiện xã đang tiếp tục phối hợp với huyện để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo 13 con bò sinh sản.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 4
Trao nhà đại đoàn kết giúp các hộ gia đình nghèo có điều kiện cải thiện chỗ ở, ổn định cuộc sống

Trong những năm qua, xã Bình Khương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Qua đó, giúp các hộ gia đình nghèo có điều kiện cải thiện chỗ ở, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ 8 nhà, từ nguồn của Mặt trận và xã hội hóa.

Sự hỗ trợ này không chỉ giúp các hộ nghèo có nơi ở ổn định mà còn tạo động lực để họ phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình sinh kế mới, từng bước thoát nghèo.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 5
Người dân đang thu hoạch keo

Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương

Bình Khương là địa phương có diện tích trồng rừng tương đối lớn hơn 1.300 ha. Những năm gần đây, công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được quan tâm, người dân đã thấy được hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng nên nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển trồng rừng vừa tích luỹ tăng thu nhập, vừa cải tạo đất bảo vệ môi trường sinh thái.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 6
Vườn ươm keo của HTX Nông nghiệp Bình Khương

Ông Nguyễn Thanh Ánh, Trưởng Ban giám sát HTX Nông nghiệp Bình Khương cho biết, nhận thấy nhu cầu về cây giống lâm nghiệp tăng cao, chính vì vậy mô hình ươm keo giống của HTX được ra đời. Diện tích đất trồng keo HTX quản lý hiện có 7ha, trong đó, vườn ươm keo 4.000 mét vuông, còn lại là diện tích keo lớn 1 năm tuổi và 2 năm tuổi. Rừng được trồng theo tiêu chuẩn FSC.

“Ðể ươm được cây giống tốt, khỏe mạnh và bảo đảm chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn đất, làm bầu... Tuy nghề ươm cây giống không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ, cây giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cây chống chịu ngã đổ”, ông Ánh chia sẻ.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 7
HTX chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân

Hiện nay, HTX có khoảng 250 nghìn cây xuất bán, bình quân mỗi cây keo con có giá 900 đồng.... Không chỉ bán cây giống, HTX còn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân. Vườn ươm keo giống của HTX cũng góp phần giải quyết việc làm cho 6 lao động ở địa phương, giúp bà con có thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Gia đình ông Huỳnh Luận, xã Bình Khương có 4ha diện tích trồng keo nguyên liệu. Ông Luận cho biết, nhờ được tập huấn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, người dân dần thay tập quán canh tác cũ lạc hậu, lựa chọn cây giống sạch bệnh, trồng và chăm sóc cây keo tốt hơn.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 8
Ông Huỳnh Luận chia sẻ nhờ có trồng keo nên đời sống người dân phát triển hơn

“Trồng keo nguyên liệu trong khoảng 3 năm đầu cần đầu tư công trồng, chăm sóc, phát dọn thực bì… những năm sau đó chủ yếu là quản lý và bảo vệ. Gia đình tôi mới bán keo được 400 tấn, bình quân 100 tấn còn dư 90 triệu đồng. Đối với đất đồi này thì chỉ trồng keo là phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Luận chia sẻ.

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Bình Sơn - ảnh 9
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã 54,6 triệu đồng/ người/ năm

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương, Ung Hồng Linh cho biết, tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã 54,6 triệu đồng/ người/ năm. Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Toàn xã có 1.320 hộ, trong đó hộ nghèo 36 hộ, chiếm tỷ lệ 2,27%; hộ cận nghèo 58 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39% %. Từ nay đến cuối năm, phấn đấu giảm 3 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo theo chỉ tiêu huyện giao”, ông Linh cho biết thêm.