Học sinh Gia Lai gìn giữ văn hóa cồng chiêng:

Dựng xây tương lai gắn với bản sắc dân tộc

HOÀNG HƯƠNG

VHO - Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, những năm qua, nhiều trường dân tộc nội trú tại tỉnh Gia Lai đã mời các nghệ nhân về giảng dạy cồng chiêng cho học sinh dân tộc thiểu số.

Dựng xây tương lai gắn với bản sắc dân tộc - ảnh 1
Điệu nhảy sạp vui nhộn của các em Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện

Việc làm này không chỉ giúp xây dựng các đội cồng chiêng trẻ mà còn tạo ra không gian để tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đây chính là cách kết nối các em với những giá trị bản sắc của dân tộc, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ trong cộng đồng, khơi dậy lòng tự tôn và tạo sự gắn kết bền vững trong gia đình cũng như xã hội.

Chúng tôi đến Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai vào một buổi chiều cuối tuần, sân trường lúc này đang rộn rã âm thanh cồng chiêng và những điệu xoang mê hoặc lòng người.

Thầy Nguyễn Trọng Vinh, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ, mỗi thứ 7 hằng tuần, học sinh đều có cơ hội tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, trong đó cồng chiêng là một phần không thể thiếu và được các em vô cùng yêu thích.

Theo thầy Vinh, năm học 2024-2025, trường có 150 học sinh, thuộc 6 dân tộc, chủ yếu là Jrai và Bana. Thông qua các buổi sinh hoạt, nhiều em đã được truyền dạy cách chơi cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống, qua đó, niềm đam mê với nghệ thuật ngày càng lan tỏa. Các em đã hiểu rõ hơn về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc độc đáo.

Dựng xây tương lai gắn với bản sắc dân tộc - ảnh 2
Học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Păh biểu diễn cồng chiêng, múa xoang

Chia sẻ với chúng tôi, em A Jăk (học sinh lớp 9, dân tộc Jrai) bày tỏ niềm vui và tự hào khi được học và sử dụng nhạc cụ dân tộc. “Chúng em đã biết đánh cồng chiêng, các bạn nữ thành thạo múa xoang. Việc học ngoại khóa không chỉ giúp chúng em trân trọng văn hóa dân tộc mình mà còn mong muốn quảng bá tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế”.

Thông qua những hoạt động này, ngọn lửa đam mê và ý thức bảo vệ di sản đã được thắp sáng trong lòng mỗi học sinh rồi lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Cũng giống như Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện cũng sở hữu một đội văn nghệ tài năng, do chính các em học sinh làm thành viên.

Thầy Hiệu trưởng Rcom Khiêm cho biết, ngoài việc chú trọng đến học văn hóa và thể chất, nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, trong đó, việc vun đắp tình yêu văn hóa truyền thống là một yếu tố không thể thiếu. Mỗi tuần, nhà trường đều mời các nghệ nhân cồng chiêng về truyền dạy và hướng dẫn các em tập luyện. Sau khóa học, học sinh lại được khuyến khích truyền những bài đã học cho các bạn khác, tạo thành một vòng tuần hoàn bền vững, giúp văn hóa cồng chiêng được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Khi tham gia vào các hoạt động văn nghệ của học sinh nơi đây, chúng tôi nhận thấy một sự khác biệt thú vị so với Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh. Đó là, bên cạnh những âm vang cồng chiêng, những điệu xoang cuốn hút, thì còn có những điệu nhảy sạp vui nhộn, tạo nên một không khí trẻ trung, sôi động.

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi biết rằng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện có không ít học sinh đến từ các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc như Tày, Nùng, Dao... do gia đình các em di cư vào Gia Lai sinh sống và làm ăn, tạo nên sự giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc, mang lại không gian học hỏi và giao lưu đầy thú vị.

Trong khi say sưa cùng điệu nhảy sạp, em Triệu Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 9/1 (dân tộc Nùng) chia sẻ: “Kể từ khi gia nhập đội văn nghệ của trường, em đã có cơ hội luyện tập và biểu diễn điệu múa sạp đặc sắc của dân tộc mình. Em cũng đã hướng dẫn bạn bè học nhảy sạp, đồng thời tự học múa xoang để hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác…”.

Trên thực tế, trong những năm qua, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt là ở Gia Lai, đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Nhiều nghi lễ truyền thống và văn hóa bản địa dần bị mai một trong đời sống đương đại. Những yếu tố văn hóa ngoại lai đang ngày càng chiếm lĩnh, khiến không ít người trẻ đánh mất sự yêu mến, gắn bó với truyền thống của dân tộc mình.

Tuy nhiên, các trường dân tộc nội trú ở Gia Lai đã luôn chú trọng xây dựng các hoạt động giáo dục đặc thù. Những câu lạc bộ cồng chiêng được tổ chức đã tạo nên sân chơi bổ ích, nơi các em học sinh không chỉ được học mà còn có cơ hội truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Những hoạt động này đã thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng giới trẻ, giúp các em cảm nhận sâu sắc và trân trọng văn hóa dân tộc, từ đó lan tỏa tình yêu và niềm tự hào về di sản truyền thống.