Bình Định xây dựng mô hình đời sống văn hoá vùng đồng bào DTTS
VHO - Để xây dựng mô hình đời sống văn hoá trong vùng đồng bào DTTS, hiện nay tỉnh Bình Định đã chọn xã vùng cao Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh là điểm để hướng dẫn về phương pháp, kỹ năng xây dựng mô hình văn hoá cồng chiêng của đồng bào Ba Na nơi đây.
Từ xa xưa, cồng chiêng gắn bó với mọi hoạt động của cộng đồng các dân tộc. Cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng, là biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... đều phải có tiếng cồng chiêng như sợi dây kết nối những con người trong cùng một cộng đồng.
Tại chương trình xây dựng mô hình xây dựng đời sống văn hoá đồng bào dân tộc Ba Na, ông Lương Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim chia sẻ: Văn nghệ truyền thống hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự suy giảm số lượng khán giả và khó khăn trong việc truyền dạy cho các nghệ nhân trẻ, dẫn đến nguy cơ mất dần các loại hình này. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn nghệ truyền thống là cần thiết để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa.
Lãnh đạo xã Vĩnh Kim nhấn mạnh, người phụ nữ nông thôn, trong đó có người phụ nữ Ba Na dù trải qua những khó khăn, nhưng khi họ tiếp xúc với nghệ thuật, họ có thể cảm nhận được “một ánh sáng, làm rung động tình cảm và suy nghĩ của họ”.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc, tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2030. Với giai đoạn 1: từ năm 2021-2025, trong đó Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, là một trong những dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh Bình Định chú trọng.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: Vĩnh Thạnh là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, có khoảng 20 dân tộc cùng sinh sống như: Kinh, Ba Na, Hrê, Mường, Thái, Dao, Nùng… Thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hoá nơi đây đạt nhiều kết quả tích cực. Các thiết chế như: nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, điểm bưu điện - văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm học tập cộng đồng, các mô hình đội văn nghệ truyền thống được hình thành và đi vào hoạt động ngày càng nhiều.
Đồng thời, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hoá … được nhân dân trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng, thi đua sôi nổi, tạo nên động lực xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh.
Đặc biệt, người Ba Na Vĩnh Thạnh đã kết hợp khai thác và phát huy đặc trưng văn hóa vùng miền, đưa văn hóa các dân tộc thiểu số trở thành một trong những yếu tố tích cực để thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nổi bật là phục dựng các nghi lễ truyền thống: Lễ cúng nhà Rông mới, lễ mừng lúa mới; tổ chức các chương trình, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng: Hát Hơ mon, truyện kể, múa xoan, văn học dân gian, các nhạc cụ truyền thống; mở các câu lạc bộ, lớp bồi dưỡng về nghệ thuật dân gian… Đến nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu là văn hoá cồng chiêng của đồng bào Ba Na.
Chương trình tập huấn tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) do Sở VHTT Bình Định tổ chức lần này đã thu hút gần 100 học viên là nghệ nhân đồng bào Ba Na, trong đó có nhiều chị em phụ nữ tham gia. Trong những ngày tập huấn, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng; bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Bên cạnh đó sẽ được tập huấn tổ chức hướng dẫn xây dựng kịch bản và phương pháp dàn dựng, tập luyện chương trình văn nghệ truyền thống phục vụ sinh hoạt văn hóa tại địa phương và phục vụ khách du lịch…
Lãnh đạo Sở VHTT Bình Định tin tưởng, sau lớp tập huấn các học viên có thể vận dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào công tác cuộc sống hàng ngày của mình và phát triển mô hình văn hoá cồng chiêng của đồng bào Ba Na gắn với việc xây dựng đời sống văn hoá của địa phương, tiếp tục truyền dạy cho các bạn trẻ để cùng nhau bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào mình.