Độc đáo nghệ thuật múa sư tử dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng

QUỲNH VY

VHO - Sở VHTTDL Lạng Sơn vừa tổ chức lớp truyền dạy, phục dựng múa sư tử dân tộc Tày, Nùng xã Hồng Phong với sự tham gia của 30 học viên là học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Hồng Phong và một số xã trên địa bàn huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Độc đáo nghệ thuật múa sư tử dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng - ảnh 1
Lớp truyền dạy góp phần "Bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn huyện Bình Gia. Ảnh: Hoàng Như

Múa sư tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Đâlà loại hình nghệ thuật chứa đựng nhiều thành tố như âm nhạc, mỹ thuật, múa với nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng như kỳ lằn, phụ, loòng phụ, phụ mèo...

Nghệ thuật múa sư tử có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện một cách sinh động về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của người Tày Nùng gắn liền với những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện. 

Theo truyền thống, vào ngày đầu năm mới đồng bào Tày, Nùng thường mời các đội múa sư tử vào nhà mình múa với quan niệm sư tử xuất hiện sẽ xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, biểu hiện của sự thái bình và niềm tin vào một năm mới may mắn, sung túc. Những giá trị văn hóa đặc sắc này đã tạo nên bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng và được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Độc đáo nghệ thuật múa sư tử dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng - ảnh 2
Các học viên được 2 nghệ nhân am hiểu hướng dẫn, trao truyền những kiến thức cơ bản về loại hình múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng. Ảnh: Hoàng Như

Năm 2017, với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo riêng có, múa sư tử của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn hay còn gọi là múa sư tử mèo  đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc giangh thuật múa sư tử của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ngày càng được các cấp, ngành và nhiều người dân trên địa bàn quan tâm, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống đương đại.

Để có được những điệu múa sư tử hấp dẫn, độc đáo, mang đậm văn hóa truyền thống, Sở VHTTDL Lạng Sơn cùng với các đơn vị chức năng và cộng đồng dân tộc Tày, Nùng tại các địa phương đã tổ chức bảo tồn phát huy nghệ thuật múa sư tử bằng nhiều giải pháp như nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin, tư liệu về di sản múa sư tử mèo, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian để trao truyền di sản, tạo không gian thực hành múa sư tử, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. 

Độc đáo nghệ thuật múa sư tử dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng - ảnh 3
Các học viên biểu diễn một số nghi thức, trò diễn được truyền dạy tại tập huấn. Ảnh: Hoàng Như

Năm 2024, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn Lạng Sơn, Sở VHTTDL Lạng Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Mới đây, Sở VHTTDL Lạng Sơn đã tổ chức lớp truyền dạy, phục dựng múa sư tử dân tộc Tày, Nùng xã Hồng Phong cho 30 học viên là học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Hồng Phong và một số xã trên địa bàn huyện Bình Gia.

Sau hơn 1 tháng tập luyện, các học viên đã được 2 nghệ nhân am hiểu hướng dẫn, trao truyền những kiến thức cơ bản về loại hình múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng. Từ đó có khả năng thực hành nhuần nhuyễn các nghi thức, trò diễn trong múa sư tử dân tộc Tày, Nùng  như nghi thức khai quang, múa bái lạy thần thánh, đi đường, săn sư tử, tẳng giảo…

Dịp này, để khích lệ, động viên người dân tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa, Sở VHTTDL Lạng Sơn đã hỗ trợ, trao tặng xã Hồng Phong 2 bộ đạo cụ múa sư tử gồm đầu sư tử, đầu hổ, nả lình, báo đông, bộ gõ, bộ võ thuật trị giá 50 triệu đồng giúp cộng đồng tiếp tục nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn các nghi thức, trò diễn trong múa sư tử dân tộc Tày, Nùng nhằm triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.