Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng

BÙI BÌNH - KIM NGÂN

VHO - Những ngôi nhà văn hóa khang trang, hiện đại, vững chãi được cơi nới, xây dựng mới đã mang đến niềm vui, biến ước mơ của hàng nghìn người dân xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) thành hiện thực.

Góp sức vào thành công đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội và nhân dân. “Dân vận khéo” trong công tác xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa đã tạo bước chuyển tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh.

Cách làm hay, quyết tâm gỡ khó

Chào mừng Quốc khánh 2.9, dọc theo đường làng, ngõ xóm xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) rực lên sắc màu cờ đỏ được gắn đồng loạt theo quy cách thống nhất trông rất đẹp mắt. Đi đến nơi đâu, chúng tôi cũng được người dân xã Nghi Hưng truyền tai, giới thiệu khách xa điểm độc đáo ấn tượng “chưa nơi nào thực hiện” đó là trong không gian bên trong hội trường các nhà văn hóa xóm, những chiếc ghế gỗ được sắp đặt đều tăm tắp, các lưng ghế đều được trang trọng “gắn một tấm bảng biển” có in tên các gia đình hiến tặng.

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 1
Bí thư Chi bộ xóm 5 tự hào giới thiệu những chiếc ghế gỗ được trang trọng “gắn một tấm bảng biển” có in tên các gia đình hiến tặng trong hội trường Nhà văn hoá xóm

Khi nắng chiều đã dịu chúng tôi đến nhà văn hóa xóm 5, trong tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng hò reo rộn rã của người lớn chơi cầu lông, bóng chuyền hơi, ông Phạm Văn Long, bí thư chi bộ xóm không giấu niềm vui sướng tự hào giới thiệu: Với bốn mặt tiền rộng rãi, nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa, thể thao của xóm 5 nằm bề thế giữa khu dân cư. 

Cho đến tận bây giờ, có nằm mơ đối với tôi và hầu hết người dân làng quê còn nhiều khó khăn cũng không tưởng tượng và hình dung được có ngày những công trình hiện đại, đẹp đẽ như thế này mọc lên trên quê hương mình. 

Nhà văn hóa xóm 5 bây chừ được bình chọn là một trong những nhà văn hóa đẹp nhất xã với không gian rộng rãi, hiện đại, có loa đài, biển hiệu, camera giám sát an ninh...

Bên cạnh hội trường được bố trí khuôn viên sân chơi thể thao, phân chia khu vực cho các môn bóng chuyền, cầu lông, lắp đặt bộ thiết bị thể dục ngoài trời được sơn màu sắc rực rỡ, bắt mắt.

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 3
Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần

Ông Long cho biết thêm: "Để đạt những thành quả hôm nay là cả sự nỗ lực của một tập thể lớn. Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, số hộ trong xóm 5 tăng lên 309 hộ với hơn 1.000 khẩu nên nhà văn hóa cũ của xóm xuống cấp, trở nên chật chội không đủ chỗ ngồi cho các buổi họp xóm, sinh hoạt cộng đồng.

Trước thực trạng đó, ban cán sự xóm trăn trở, cần phải có nhà văn hóa mới tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia các hoạt động cộng đồng, rèn luyện sức khỏe, giao lưu gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ngay khi có chủ trương của xã, xóm đã lập tức hưởng ứng, quyết tâm triển khai".

Mới đầu, chủ trương vận động xã hội hóa thống nhất như vậy, nhưng kinh phí xây dựng thì vẫn là “hòn đá tảng” cản trở lớn. Do chủ yếu thuần nông nên nguồn thu nhập của người dân không cao. Phần khác, vì người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của thiết chế nhà văn hóa nên họ từ chối tham gia đóng góp.

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 4
Khuôn viên sân chơi thể thao cho người dân xóm 5 thụ hưởng rèn luyện sức khỏe

Kế hoạch tưởng chừng lâm vào “thế bí”, ban cán sự xóm đã họp đi bàn lại nhiều lần và đưa ra sáng kiến chia thành các nhóm nhỏ đến “từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động thuyết phục bà con.

Đến từng nhà rồi chúng tôi phân tích: “Mỗi người chỉ đóng góp một ít rồi thiết chế nhà văn hóa sau này là nơi vui chơi, tập văn nghệ, thể dục rèn luyện sức khỏe, hội họp chung của cả xóm. Lý do, vướng mắc nào mà lại chưa tham gia? Bằng sự nhiệt huyết, không quản nắng mưa, ngày đêm tuyên truyền của ban cán sự xóm, bà con đã hiểu và hưởng ứng nhiệt tình. 

“Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” cùng chủ trương xây dựng nông thôn mới đúng đắn, hợp lòng dân nên chúng tôi đã huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn và xây dựng được nhà văn hóa.

Với tinh thần tự hào và mong muốn xây dựng quê hương giàu mạnh, ngoài mức đóng góp theo quy định 430/khẩu, nhiều hộ xóm 5 đã tự nguyện đóng góp thêm", Bí thư xóm cho biết thêm.

Chính những người dân đã mang đến cho vùng quê một sinh khí, diện mạo mới mẻ, khởi sắc. Khích lệ, tôn vinh tinh thần của bà con trong chung sức đồng lòng đóng góp xây dựng thiết chế nhà văn hóa, xóm quy đổi tiền đóng góp của người dân thành những hiện vật nhìn thấy được.

Những hạng mục, từ ghế gỗ đến ghế đá, từ tranh tường đến đồng hồ…đều được  gắn với tên một cá nhân, tập thể cụ thể. Cách làm này tuy là hành động nhỏ nhưng khiến bà con rất trân quý, xúc động và tự hào. 

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 5
Nhà văn hóa xóm 5 có khu vực sân bóng chuyền, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia các hoạt động cộng đồng, rèn luyện sức khỏe

 Để đảm bảo dân chủ công khai, minh bạch trong thu chi tài chính, ban cán sự xóm 5 thành lập ban giám sát cộng đồng. Trong quá trình xây dựng, xóm công khai chi tiêu tiền đóng góp ở bảng tin cho người dân theo dõi. Ngoài ra, làm gương “đầu tàu” mỗi cán bộ xóm ngoài đóng góp theo mức quy định còn đóng góp thêm hiện vật bóng đèn, đồng hồ như Bí thư Chi bộ Phạm Văn Long, Trưởng xóm Nguyễn Đình Long...

Không chỉ vận động người dân trong xóm, ban cán sự xóm còn kết nối với những con em xa làm việc xa quê, đồng hương đang sinh sống ở các tỉnh, thành khác, những con em đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Bằng tấm chân tình, nhiều con em đã đồng cảm hướng về đóng góp cho quê hương. Trong số đó có thể kể đến ông Hồ Trung Thành đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Bình Dương. Nghe tin, ông đã gửi về quê hương bức tượng Bác Hồ bằng đồng nặng 60kg và 2 bộ bàn ghế lớn để sử dụng trong hội trường...

Sau một thời gian nỗ lực vận động bằng nguồn xã hội hóa, Nhà văn hóa xóm được khánh thành đưa vào hoạt động tháng 8.2023. Đi vào hoạt động, nhà văn hóa đã phát huy được hiệu quả tích cực, phục vụ cho các cuộc hội họp và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng. Đặc biệt, từ ngày nhà văn hóa xóm được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhiều gia đình đăng ký tổ chức đám cưới tại đây.

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 6
Người dân xóm 5 góp công, góp của chung tay xây dựng các công trình công cộng. Ảnh: CSCC

Chị Nguyễn Thị Hiếu, người dân xóm 5 hào hứng nói: "Sau những giờ lao động vất vả, cuối buổi chiều chúng tôi lại cùng nhau ra sân bóng chuyền, cầu lông tại khuôn viên nhà văn hóa xóm để luyện tập thể thao.

Hay những buổi sinh hoạt CLB phụ nữ, chị em lại có dịp tâm sự chuyện nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Nhờ những buổi giao lưu đó, tinh thần của người dân phấn chấn hơn, hăng say hơn trong lao động sản xuất và tình làng, nghĩa xóm bền chặt hơn".

Từ mô hình xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa xóm 5, các xóm khác trên địa bàn xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc cũng đã triển khai thực hiện tốt công tác “dân vận khéo”.

Tại xóm 3, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, việc vận động sự vào cuộc và tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa cũng là một “thách thức” lớn đặt ra.

“Mỗi sào lúa trừ đi các khoản chi phí, lấy công làm lãi thì mỗi hộ còn được vài triệu đồng, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một bộ phận người dân chưa thực sự có niềm tin vào việc thu - chi các khoản đóng góp nên phản đối là chuyện dễ hiểu.

Việc “dân vận” vốn rất khó để thành công thì công tác tuyên truyền vận động nhân dân phải được đẩy mạnh, xóm 3 đã thành lập được các đội tuyên truyền vận động thực hiện công tác dân vận đến từng hộ gia đình theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”, nhờ đó đã thực sự khơi dậy được sức dân”, ông Hoàng Văn Đào với kinh nghiệm 32 năm đảm nhận Xóm trưởng cho biết.

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 7
Camera giám sát an ninh trong nhà văn hóa xóm 5

Chia sẻ về công tác vận động bà con xây dựng thiết chế văn hóa, là một trong những cán bộ xóm nhiệt tình, năng nổ, bà Nguyễn Thị Cúc, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc xóm 3 tâm tình: Phụ cấp cán bộ xóm không được là bao, công việc lại nhiều, địa bàn xóm rộng với hơn 1.000 dân, có những lúc trong công tác “dân vận” chúng tôi gặp một số sự cố bị bà con hiểu lầm là lừa đảo, đóng cửa không tiếp chuyện.

Tuy nhiên “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” lời Bác dạy năm nào vẫn còn nguyên giá trị thấm nhuần và trở thành đường hướng quan trọng để những người làm công tác dân vận gặt hái được những thành công.

Mặc dù tuổi cao, nhưng ban chỉ huy xóm 3 “chịu khó” cập nhật công nghệ internet để đảm bảo tính minh bạch, công khai trong từng chủ trương chính sách và những vấn đề chi tiêu qua các nhóm gia zalo, facebook… Mọi người dân vừa có thể kiểm tra giám sát nguồn vốn và đóng góp ý kiến đảm bảo chính xác hợp lý.

Trong quá trình thực hiện thì xóm đã thành lập một ban gọi là ban kiến thiết, sử dụng các nguồn vốn của xóm có phân công thủ quỹ, thư ký và các thành viên để quản lý chi tiêu nguồn vốn của nhân dân và được nhân dân tin tưởng.

Nhờ đó chỉ trong khoảng thời gian ngắn xóm đã hoàn thành nhà văn hoá, khu thể thao mới khang trang, nâng cao đời sống của nhân dân tạo nên một miền quê đáng sống.

Hiện hữu diện mạo nông thôn mới

Nghi Hưng là một trong những xã về đích đầu tiên trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Nghi Lộc. 

Năm 2024, xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là xã điển hình đạt danh hiệu “giữ sạch ma túy" trong nhiều năm.

Tháng 8. 2024, xã Nghi Hưng vinh dự khi được UBND Tỉnh, UBND huyện chọn tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Khi được hỏi về sự đổi thay của xã, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Hoàng cho biết: Để có được bức tranh mới như vậy, thời gian qua, xây dựng đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa đã tác động tích cực đến toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân".

Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp xã đã thực chất vào cuộc, thường xuyên bám chương trình công tác và chức năng nhiệm vụ, tổ chức đôn đốc việc xây dựng và triển khai xây dựng mô hình.

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 8
Nhà văn hóa xóm 3 khang trang, được xem là niềm tự hào của người dân

 Cũng như nhiều địa phương khác, sau sáp nhập, các nhà văn hóa xóm không đáp ứng quy mô chỗ ngồi theo quy định. Nhận thức được vai trò của nhà văn hóa trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nên chính quyền xã Nghi Hưng đã ban hành Nghị quyết để hỗ trợ mỗi xóm xây mới nhà văn hóa 800 triệu đồng.

Ngoài ra, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ xi măng để xây dựng sân bãi, các công trình khuôn viên. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ, các xóm đã hưởng ứng mạnh mẽ phong trào xây dựng thiết chế văn hóa. Việc triển khai đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Hiện, tất cả  6/6 xóm đã đạt chuẩn thiết chế văn hoá.

Chuyện về nhà văn hóa “trong mơ” ở Nghi Hưng - ảnh 9
Ban cán sự xóm 3, xã Nghi Hưng giới thiệu mô hình trưng bày trong nhà văn hóa

"Xã Nghi Hưng so với ngày trước, bây giờ đã một trời một vực. Những con đường đất lầy lội trước đây đã thay bằng những tuyến đường bê tông đến từng ngõ xóm; nhiều khu đất trống, đất ruộng giờ đây hình thành bằng các cụm công nghiệp, các nhà máy công nghiệp. Ngoài nghề nông, bà con có cơ hội phát triển các ngành nghề dịch vụ thương mại sầm uất…thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. 

Kỷ niệm 70 năm thành lập xã, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Nghi Hưng càng thêm tự hào về truyền thống quê hương anh hùng, thời gian tới sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra", Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Hoàng chia sẻ thêm.

Giờ đây, giữa không gian thoáng đãng, sạch đẹp, với đầy đủ tiện nghi, nhà văn hóa đã trở thành “điểm hẹn” yêu thích của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Với việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, huy động được cả hệ thống tổ chức chính trị xã hội vào cuộc và sự đồng thuận của nhân dân là cơ sở quan trọng cho xã Nghi Hưng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng bền vững nông thôn mới nâng cao, góp phần đưa đời sống văn hóa và nếp sống văn minh ở nông thôn lên tầm cao mới.