Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật chiêng Mường

QUỲNH VY; ảnh: THU HẰNG

VHO - Văn hoá cồng chiêng của người Mường ở Hòa Bình nói chung, huyện Tân Lạc nói riêng có những nét độc đáo riêng, lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. Từ bao đời nay, âm thanh cồng chiêng luôn gắn liền với phong tục, tập quán, lễ nghi trong đời sống tâm linh của người Mường.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật chiêng Mường - ảnh 1
Lớp tập huấn góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 trên địa bàn huyện Tân Lạc

Ông Bùi Văn Thiệm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức cho biết, trên địa bàn huyện Tân Lạc dân tộc Mường chiếm 85% dân số. Thời gian qua, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội trêđịa bàn huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc Mường góp phần nâng tầm giá trị di sản văn hóa Mường trong cuộc sống hôm nay.

Trong kho tàng di sản văn hóa của người Mường, chiêng là một loại hình văn hóa độc đáo, chứa đựng trong đó những linh thiêng, huyền diệu trong văn hóa dân gian và đời sống của người Mường. Chiêng Mường đã làm nên bản sắc văn hóa, bản sắc riêng độc đáo, là vật báu, là hồn thiêng của dân tộc Mường.

Với người Mường, chiêng có vai trò rất quan trọng gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của người Mường từ lúc được sinh ra cho đến khi mất đi.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật chiêng Mường - ảnh 2
Diễn tấu chiêng Mường do các học viên biểu diễn tại lớp tập huấn

Văn hoá chiêng của người Mường Hòa Bình nói chung, huyện Tân Lạc nói riêng có những nét độc đáo riêng, lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. Chiêng Mường được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng, trong nhiều hoạt động văn hoá, chính trị trên địa bàn, tham gia các sự kiện của khu vực và toàn quốc.

Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như Lễ hội mừng nhà mới, Lễ thành hôn, Lễ khai hạ, Lễ hội kéo si, Lễ bắt cá Lạc Sơn.... Âm nhạc của cồng chiêng Mường thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và sáng tạo ra nhiều bài chiêng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.

Những bài chiêng phổ biến trong cộng đồng như “Đón khách”, “Đi đường”, “Bông trắng, bông vàng”, “Chẩm khẩm”, “Vào hội”, “Đập bông bông”, “Poỏng ba”, “Poỏng chín”...Khi diễn tấu chiêng Mường, có thể hàng trăm, hàng ngàn nghệ nhân cùng hòa vào một dàn phối hợp tấu chiêng nhịp nhàng mà vẫn không bị lạc điệu. Các làn điệu chiêng và không gian văn hoá chiêng Mường thường tạo ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch, nhất là khách quốc tế khi đến vùng đất Hòa Bình.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật chiêng Mường - ảnh 3
Lớp tập huấn có sự tham gia của 50 học viên là đồng bào Mường tại thị trấn Mãn Đức, các thầy cô, học sinh trường PTTH Tân Lạc, trường TH và THCS Mãn Đức

Năm 2016, với các giá trị văn hóa độc đáo riêng có, Bộ VHTTDL đã đưa “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” tỉnh Hòa Bình vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Tuy nhiên, trước những tác động của biến đổi văn hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, di sản văn hóa chiêng Mường đang đứng trước nguy cơ bị mai một rất cao dẫn đến một bộ phận người Mường ít quan tâm đối với văn hóa chiêng, nhất là lớp trẻ, ông Bùi Văn Thiệm, chia sẻ.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật chiêng Mường - ảnh 4
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa do các học viên biểu diễn tại lớp tập huấn

Ông Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, từ ngày 3-12.12, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với UBND huyện Tân Lạc tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy nghệ thuật chiêng Mường với sự tham gia của 50 nghệ nhân, người có uy tín, học viên dân tộc Mường tại thị trấn Mãn Đức nhằm bảo tồn giá trị di sản cồng chiêng Mường, khuyến khích các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia giữ gìn, phát huy di sản âm nhạc dân gian

Đây cũng là chương trình thứ 4 trong năm 2024 được Bảo tàng tổ chức thực hiện đồng bộ giữa nghiên cứu, bảo tồn văn hóa nghệ thuật với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Phương, lớp truyền dạy nghệ thuật chiêng Mường do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức tại thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là hoạt động thiết thực giúp cho các nghệ nhân trao truyền cho thế hệ trẻ duy trì các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Tân Lạc nói riêng.