Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa - động lực từ di sản
VHO - Từ việc triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) những năm qua, đang tạo ra động lực quan trọng để công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Phát huy giá trị lịch sử văn hóa
Thạch Thành là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, có hệ thống di tích văn hóa lịch sử phong phú, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, đó là những tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch.
Từ Hang Con Moong - di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, Chiến khu Ngọc Trạo - nơi từng là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, cho đến danh thắng Đền Phố Cát, Thạch Thành không chỉ lưu giữ những trang sử hào hùng, mà còn chứa đựng cả nền văn hóa dân tộc đặc sắc. Huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và đề án nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Thạch Thành là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc Mường, những nét văn hóa của người Mường đã trở thành điểm nhấn cho du lịch địa phương. Tại xã Thành Mỹ, đình Mường Đòn là nơi lưu giữ các nghi lễ truyền thống của dân tộc Mường, gắn liền với lễ hội Mường Đòn – một trong những sự kiện văn hóa lớn của vùng.
Nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nỗ lực xã hội hóa, xã đã phục dựng thành công lễ hội này, tái hiện các nghi thức văn hóa đặc sắc như lễ rước sắc, rước kiệu và các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, bắn nỏ, cùng các điệu hát giao duyên, hát xường.
Sự sống lại của lễ hội không chỉ là cách giữ gìn di sản văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng cho việc phát triển du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Không chỉ dừng lại ở việc phục dựng lễ hội, Thạch Thành còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường. Tại xã Thạch Lâm, nơi có hơn 98% dân số là người Mường, địa phương đã mở nhiều lớp tập huấn về nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống.
Theo chị Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành, việc duy trì nghề thủ công truyền thống không chỉ là cách để bảo tồn di sản văn hóa mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế du lịch, khi du khách đến đây có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất và trải nghiệm văn hóa độc đáo của người dân địa phương.
Động lực của sự phát triển bền vững
Điểm đến nổi bật nhất của Thạch Thành không thể không nhắc đến Hang Con Moong – di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những dấu tích quan trọng về đời sống cổ đại. Đây không chỉ là một điểm du lịch thu hút khách trong nước mà còn là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế.
Với mục tiêu đề xuất Hang Con Moong trở thành Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO ghi danh, huyện Thạch Thành đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này thông qua việc công bố quy hoạch tổng thể và xây dựng kế hoạch bảo vệ di tích.
Ngoài Hang Con Moong, Thạch Thành còn sở hữu Chiến khu Ngọc Trạo, nơi ghi dấu những chiến công vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngọc Trạo không chỉ là biểu tượng của tinh thần cách mạng mà còn là điểm tham quan mang giá trị lịch sử, thu hút nhiều đoàn khách du lịch và học sinh đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh của dân tộc.
Trong thời gian qua, huyện đã đầu tư đáng kể vào hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các di tích với trung tâm huyện và các khu du lịch khác.
Tuyến đường từ Quốc lộ 217B đến Hang Con Moong và tuyến từ đường Hồ Chí Minh đến Thác Mây là những dự án giao thông quan trọng, không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện hơn mà còn tạo điều kiện để các khu di tích trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử, Thạch Thành còn được biết đến với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trong đó Thác Mây tại xã Thạch Lâm là một trong những điểm nhấn đặc biệt. Thác Mây với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi đến với xứ Thanh.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là Thạch Thành đã xác định phát triển du lịch Thác Mây không chỉ dựa vào cảnh quan thiên nhiên mà còn phải gắn với bảo tồn văn hóa bản địa.
Với hơn 85% ngôi nhà sàn Mường cổ còn được bảo tồn tại Thạch Lâm, nơi đây thực sự là một bảo tàng sống động về kiến trúc và đời sống của người Mường.
Ngoài ra, các phong tục tập quán như lễ mừng cơm mới, dệt thổ cẩm, làm đũa bương, cùng các trò chơi dân gian và văn hóa ẩm thực đặc sắc đã tạo ra một sức hút riêng, giúp du khách có những trải nghiệm văn hóa sâu sắc khi đến đây.
Bà Quách Thị Tươi – Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Thạch Thành – nhấn mạnh rằng: "Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giúp duy trì bản sắc dân tộc mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương".
Thực tế cho thấy, từ năm 2021 đến 2023, lượng du khách đến với Thạch Thành đã tăng đều qua các năm, với hơn 175 nghìn lượt khách và doanh thu du lịch đạt hơn 116 tỉ đồng. Đây là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch.
Không chỉ các di sản văn hóa, hệ thống lễ hội truyền thống cũng được huyện duy trì và phát triển. Các lễ hội như lễ hội Đình Tam Thánh, lễ hội Đền Phố Cát, lễ hội Mường Đòn không chỉ là cơ hội để quảng bá nét văn hóa đặc sắc của địa phương mà còn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi về tham dự.
Với định hướng phát triển bền vững, Thạch Thành đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, đặc biệt là văn hóa Mường – một trong những di sản văn hóa phong phú của tỉnh Thanh Hóa.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân, Thạch Thành đang dần trở thành một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, nơi mà mỗi di tích, mỗi nét văn hóa đều có thể kể một câu chuyện riêng, hấp dẫn và đầy màu sắc.