Dự án 6 và hành trình đánh thức bản sắc giữa rừng và biển:

Bài cuối - Nhịp cầu văn hóa nối dài bản sắc Chơ Ro

NAM HƯNG - NGUYỄN LINH

VHO - Sau ngày 1.7.2025, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành một phần của TP.HCM mở rộng, nhưng văn hóa Chơ Ro không hề bị hòa tan giữa làn sóng đô thị hóa. Trái lại, bản sắc ấy đang bừng sáng, nhờ Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, góp phần gìn giữ và khơi dậy mạch sống văn hóa cộng đồng, mở lối cho du lịch bền vững gắn với cội nguồn dân tộc.

Bài cuối - Nhịp cầu văn hóa nối dài bản sắc Chơ Ro - ảnh 1
Dự án 6 đã góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Chơ Ro gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Ánh

Gieo mầm văn hóa giữa vùng biển công nghiệp hóa

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (trước ngày 1.7) hiện ghi nhận 8.714 hộ dân tộc thiểu số với 32.337 khẩu, chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh. 38 dân tộc cùng tồn tại, trong đó người Hoa (11.950), Chơ Ro (10.115), Khmer, Tày… xen kẽ các thành phố, tạo nên bức tranh đa sắc văn hóa, tiềm ẩn sự đe dọa mai một nếu không được quan tâm đúng mức.

Ba xã đặc biệt khó khăn, cùng 28 thôn ấp vùng DTTS I–III đang tiếp tục nằm trong nhóm ưu tiên hành động điều này là cơ hội để khơi mở tiềm năng văn hoá, du lịch, kinh tế cộng đồng.

UBND tỉnh đã “quán triệt” chỉ đạo từ trung ương: từ Nghị quyết 24‑NQ/TW đến Kết luận 65‑KL/TW, và quyết định triển khai Dự án 6 về bảo tồn văn hóa DTTS gắn với du lịch. Bộ VHTTDL đã phê duyệt đề án bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc, được Sở Quản lý cụ thể thành kế hoạch triển khai từ 2020 đến 2023…

Mặc dù không sử dụng vốn trung ương, tỉnh vẫn chủ động lồng ghép ngân sách địa phương để triển khai Dự án 6 song song với nhiệm vụ chuyên môn.

Trong hành trình thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021–2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chọn cách lặng lẽ nhưng bền bỉ: khơi dậy bản sắc từ những giá trị gốc rễ.

Bài cuối - Nhịp cầu văn hóa nối dài bản sắc Chơ Ro - ảnh 2
Các giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy trở thành “cầu nối” quảng bá vẻ đẹp về vùng đất, con người Bà Rịa – Vũng Tàu

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công 2 kỳ Liên hoan Hát – Múa dân tộc cấp tỉnh với sự tham gia của 22 đội nghệ thuật quần chúng. Có đến 138 tiết mục mang đậm sắc màu dân tộc, với đội ngũ diễn viên phần lớn là người DTTS như Chơ Ro, Ê Đê...

Trên sân khấu, những giai điệu ngợi ca quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ vang lên đầy tự hào, xen lẫn với tiếng đàn Goong K’la, tiếng cồng chiêng rộn ràng trong những điệu múa lễ hội truyền thống.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao tổng cộng 22 giải chương trình (6 giải A, 8 giải B, 8 giải C), 138 giải tiết mục và 8 giải phụ, trong đó có giải dành riêng cho tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ hay nhất, dàn nhạc dân tộc hay nhất.

Không dừng lại ở quy mô tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tích cực “mang chuông đi đánh xứ người” với các chương trình tham gia Liên hoan Văn hóa phi vật thể toàn quốc tại Phú Thọ (trước ngày 1.7), Hội diễn Đàn – Hát dân ca 3 miền tại Nghệ An.

Đặc biệt, năm 2023, nghệ nhân người Chơ Ro đã xuất sắc giành Huy chương vàng cá nhân tại Hội diễn này, ghi dấu ấn đậm nét của văn hóa dân tộc Bà Rịa – Vũng Tàu trên bản đồ văn hóa cả nước.

Ở cấp huyện (trước ngày 1.7.2025), những “pháo đài” gìn giữ văn hóa đang được trấn giữ vững vàng bởi các Nhà văn hóa dân tộc như Bàu Chinh (cũ), Sơn Bình (cũ), Tân Lâm (cũ), Long Tân (cũ) và Châu Pha (cũ). Những buổi biểu diễn văn nghệ vào dịp lễ tết, hoạt động dạy đánh cồng chiêng, dạy hát ru, múa sàn gạo cho thiếu nhi được tổ chức đều đặn mỗi dịp hè.

Đội nghệ thuật cồng chiêng Chơ Ro trở thành điểm nhấn đặc sắc tại các tour du lịch về nguồn, biểu diễn phục vụ du khách tại Châu Đức hay các điểm du lịch trong tỉnh.

Tại đây, những giá trị văn hóa tưởng chừng đang mai một đã được sưu tầm, phục dựng và tái hiện đầy sống động: từ nhạc cụ dân tộc như đàn Goongcholo, kèn bầu, cầm vuột, đến làn điệu ru con, điệu múa lễ hội Yang-Bri, Yang-Va... Những gì tưởng chỉ còn trong ký ức, giờ đang hồi sinh giữa đời thường, giữa phố xá, giữa những xưởng công nghiệp đang mọc lên ngày một nhiều.

Bài cuối - Nhịp cầu văn hóa nối dài bản sắc Chơ Ro - ảnh 3
Dự án 6 là một trong những trụ cột để phát huy thế mạnh vùng DTTS, đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh trong phát triển toàn diện Bà Rịa – Vũng Tàu, nay là Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng. Ảnh minh họa: H.Hoa

Hướng tới du lịch văn hóa bền vững trong giai đoạn mới

Sức sống mới từ văn hóa Chơ Ro không chỉ lan tỏa trong các lễ hội, liên hoan mà còn đang được “lập trình hóa” để trở thành điểm tựa cho phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Từ 2021 đến nay, các huyện Châu Đức (cũ), Long Đất (cũ), Xuyên Mộc (cũ) và TP. Phú Mỹ (cũ) đã phối hợp sản xuất hơn 1.270 lượt tin, phóng sự phát thanh, gần 100 tin truyền hình, hàng trăm nội dung truyền thông số quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc và chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho đồng bào DTTS. Các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa dân gian Chơ Ro dần được quan tâm nhiều hơn, tiếp cận rộng rãi hơn qua Facebook, Zalo, Youtube...

Sở VHTTDL cũng đã tích cực tham mưu cho tỉnh trong việc nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bản sắc dân tộc, đặc biệt là khai thác nét độc đáo từ đời sống, lễ hội, nhạc cụ, ẩm thực, thổ cẩm Chơ Ro.

Không chỉ văn hóa, thể thao dân tộc cũng được tỉnh xem là “cầu nối” tạo dựng môi trường sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, phong phú. Hội thao đồng bào dân tộc thiểu số cấp tỉnh được duy trì hằng năm, tạo sân chơi gắn kết, phát huy sức khỏe, tinh thần và sự đoàn kết dân tộc. Nhiều vận động viên DTTS được chọn tham gia thi đấu các giải thể thao lớn, góp phần khơi dậy niềm tự hào và nâng cao vị thế của đồng bào.

Đáng chú ý, các Nhà văn hóa dân tộc đã và đang được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng, tạo nền tảng phát triển văn hóa đọc, lan tỏa tri thức về luật pháp, sức khỏe, môi trường, du lịch bền vững... Trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, việc các địa phương vận động xã hội hóa, kết nối được các nguồn lực để duy trì hoạt động đã cho thấy nỗ lực vượt bậc và khát vọng gìn giữ văn hóa không hề phai nhạt trong cộng đồng.

Bài cuối - Nhịp cầu văn hóa nối dài bản sắc Chơ Ro - ảnh 4
Các giá trị văn hóa không chỉ lan tỏa trong các lễ hội, liên hoan mà còn được “lập trình hóa” để trở thành điểm tựa cho phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Ảnh: Huyền Trang

Bước sang giai đoạn mới, khi mốc hợp nhất hành chính từ ngày 1.7.2025 đã chính thức đánh dấu một bước chuyển quan trọng về bộ máy, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định tiếp tục đặt Dự án 6 làm một trong những trụ cột để phát huy thế mạnh vùng DTTS, đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh trong phát triển toàn diện.

Theo đó, ngành Văn hóa – Thể thao sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai Kết luận 65-KL/TW và Kế hoạch 195/KH-UBND của tỉnh, tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả Dự án 6, lồng ghép với các nhiệm vụ chuyên môn, tận dụng nguồn lực xã hội hóa.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá nghệ thuật dân gian Chơ Ro, xây dựng các mô hình du lịch văn hóa đặc trưng; đồng thời kiến nghị Bộ VHTTDL hỗ trợ bố trí ngân sách trung ương và tổ chức các lớp tập huấn cho cơ sở nhằm nâng cao năng lực thực hiện Dự án 6 đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để giữ được lửa lâu dài, Bà Rịa – Vũng Tàu thẳng thắn nhìn nhận những thách thức còn tồn tại: sự mai một của các giá trị truyền thống do hội nhập, di dân mưu sinh; đội ngũ kế cận hạn chế; nguồn lực còn thiếu; nhiều nhà văn hóa chưa có kinh phí hoạt động độc lập… Đó là những nút thắt mà chính quyền địa phương và cộng đồng dân tộc phải cùng tháo gỡ bằng trách nhiệm, sáng tạo và niềm tin.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu nay là Thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh các thiếu nhi người Chơ Ro học đánh cồng chiêng, tập múa lễ hội giữa nhà văn hóa thôn bản không còn là chuyện lạ. Đó chính là thành quả của những chính sách đúng đắn, sự nhập cuộc đầy trách nhiệm của chính quyền và nỗ lực bền bỉ của cộng đồng.

Trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Dự án 6 không chỉ là một nhiệm vụ, mà là mạch nguồn của bản sắc, là nếp sống, là căn cước văn hóa của cả một cộng đồng. Gìn giữ những giá trị ấy không chỉ để tự hào, mà còn là cách để mỗi dân tộc thiểu số khẳng định vị thế, phát huy nội lực, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của quê hương trong thời đại mới.

Ý kiến bạn đọc