Huyện Như Thanh (Thanh Hoá):

Bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch

NGUYỄN LINH

VHO - Thực hiện dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Như Thanh (Thanh Hoá) đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 Như Thanh là huyện miền núi nằm phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa, dân số trên 99.400 người gồm các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ... cùng chung sống. Đồng bào DTTS chiếm 43,22% (dân tộc Mường chiếm 23,43%; dân tộc Thái 19,21%; dân tộc khác 0,58%). Đồng bào DTTS ở đây vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Theo thống kê của huyện Như Thanh, trên địa bàn huyện có 6 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia; 4 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh; 1 di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch - ảnh 1
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái, thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh)

Trong đó, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc); Sết Boóc Mạy (thôn Mó 1, xã Cán Khê) của đồng bào dân tộc Thái; lễ hội mừng cơm mới của người Mường thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi

Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - “Hát múa ăn mừng dưới cây bông” đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội không chỉ thu hút cộng đồng dân tộc Thái mà đồng bào dân tộc Mường sinh sống ở thôn Rộc Răm cũng cùng tham gia, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.

Thông qua lễ hội, đồng bào dân tộc nơi đây gửi gắm ước vọng mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở để bình an, khỏe mạnh.

Ngoài lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc), lễ hội Sết Boóc Mạy của Nhân dân thôn Mó 1, xã Cán Khê là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc được lưu truyền từ thời xa xưa. Đây cũng là lê hội đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội là dịp tái hiện lại một phần trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập mó đến nay thông qua những làn điệu dân ca giao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống... hòa quyện với nhau.

Đặc sắc hơn nữa là người dân tộc Thái từ thời xa xưa đã tự tạo cho mình một niềm tin hướng thiện là sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và họ đã dày công vun đắp mà tạo nên.

Không chỉ gìn giữ các lễ hội truyền thống, hiện nay, bà con nơi đây vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa riêng biệt và đặc sắc như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; trang phục, tín ngưỡng thờ thổ địa; đám cưới; lễ làm vía, lễ cầu mùa; các món ăn ẩm thực...

Nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn trên địa bàn các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống như: Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến Hải Vân; đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); đền thờ Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận); Vườn quốc gia Bến En (nằm trên địa bàn huyện Như Thanh, Như Xuân), Phủ na (xã Xuân Du)... đã và đang được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, thu hút du khách tham quan, vãn cảnh. 

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Như Thanh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống; trách nhiệm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cá nhân.

Xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cùng với thực hiện dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Như Thanh đã bám sát nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; lồng ghép việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát triển du lịch và XDNTM.

Từ đó, Như Thanh đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch theo từng giai đoạn, từng năm.

Đối với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, huyện khuyến khích người dân gìn giữ các lễ hội truyền thống cũng như tiếng nói, trang phục, nghề truyền thống.

Đồng thời, dành nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương thành lập và duy trì các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, mua sắm nhạc cụ, trang phục dân tộc cho các câu lạc bộ văn nghệ. Nhờ đó, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, khôi phục và phát huy, tạo tiền đề cho phát triển du lịch địa phương.

Tại xã Phượng Nghi, xã đã vận động người dân duy trì lễ hội mừng cơm mới - một nét đẹp văn hóa của người Mường để tỏ lòng biết ơn trời đất đã phù hộ cho một năm mùa màng thuận lợi và cầu cho năm tới mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi.

Đồng thời, năm 2023 xã đã thành lập hai câu lạc bộ truyền thống thu hút từ 30 - 40 người có đam mê với văn hóa truyền thống tham gia. Câu lạc bộ trở thành nơi để người dân tộc Mường ở đây thực hành các văn hóa truyền thống như nhảy sạp, hát ru, múa Pồn Pôông...

Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi Bùi Thị Hải cho biết: Xã có 87% dân số là đồng bào Mường. Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch là việc làm được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Nhờ đó các giá trị văn hóa của người dân tộc Mường ở địa phương được gìn giữ và phát huy giá trị.

Xác định công tác truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy nghề truyền thống, dân ca, dân vũ, cách thực hành văn hóa truyền thống cho người dân các dân tộc.

Công tác truyền dạy được triển khai sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt huyện đã chú trọng truyền dạy cho thế hệ trẻ góp phần khơi dậy đam mê với văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ.

Không chỉ chú trọng công tác truyền dạy, huyện còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, các trò chơi, trò diễn trong dịp lễ, tết, ngày hội, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo các xã, hội, đoàn thể, trường học tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ quan, đơn vị để các di sản văn hóa có “đất sống”. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho Nhân dân, góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh Đinh Xuân Thắng cho biết: "Với những nỗ lực trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, Như Thanh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Thắng cũng cho biết, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, huyện đã và đang triển khai thực hiện các nội dung như: Cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa, công trình phụ trợ thuộc các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Khang; hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống thuộc các xã: Xuân Khang, Xuân Thái, Hải Long, Phú Nhuận, Xuân Du, Xuân Phúc, Cán Khê, Phượng Nghi.

Tổ chức thi đấu giải thể thao truyền thống các DTTS (quý IV); hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử quốc gia Lò Cao kháng chiến Hải Vân; hỗ trợ hoạt động 6 tháng cho nghệ nhân ưu tú người DTTS...

“Phát huy những kết quả đạt được, huyện sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa và các di sản văn hóa; huy động các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động văn hóa, tập huấn, phục dựng và phát huy các loại hình di sản văn hóa găn với phát triển du lịch", ông Thắng nói.