Dấu ấn 1719 trên những nẻo cao:

Bài cuối - Hành trình 5 năm làm nên kỳ tích

NAM HƯNG - NGUYỄN LINH

VHO - Là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước, Điện Biên đã ghi dấu nhiều kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, thu nhập bình quân tăng nhanh, hệ thống hạ tầng được cải thiện rõ nét. Những chuyển biến toàn diện ấy cho thấy hiệu quả của chủ trương lớn và quyết tâm vượt khó từ cấp ủy, chính quyền đến từng thôn bản vùng cao.

Những chuyển động tích cực giữa gian khó

Cách đây gàn 5 năm, khi Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chính thức được triển khai, Điện Biên, một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, đã bước vào một giai đoạn đặc biệt với nhiều kỳ vọng.

Trên những nẻo cao gió lộng, chương trình như luồng gió mới, mang theo nguồn lực, chính sách và niềm tin đến với bà con các dân tộc.

Bài cuối - Hành trình 5 năm làm nên kỳ tích - ảnh 1
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024 và Lễ hội Hoa Ban, lan toả bản sắc văn hoá các dân tộc, góp phần hiện thực hoá mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hoá theo tinh thần Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN

Nhìn lại chặng đường 2021–2025, có thể khẳng định: Chương trình MTQG là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Tại Điện Biên, chương trình đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ nhân dân; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức từ các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp.

Các dự án, tiểu dự án bao phủ hầu hết lĩnh vực đời sống: từ hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế đến văn hóa, môi trường, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngay từ đầu giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã thể hiện sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nghị quyết được ban hành sớm. Cơ chế chính sách được cụ thể hóa phù hợp với địa bàn. Hệ thống quản lý Chương trình được kiện toàn, đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở.

Việc bố trí vốn đối ứng, ban hành cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư… đều được tỉnh triển khai kịp thời. Các hình thức tuyên truyền phong phú đã tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chương trình.

Vượt qua những khó khăn, chương trình đã tạo ra những chuyển động tích cực, rõ nét về kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh duy trì trên 7%/năm; riêng hai năm đạt và vượt 10%.

Bài cuối - Hành trình 5 năm làm nên kỳ tích - ảnh 2
Người dân bản vùng cao tỉnh Điện Biên vui mừng đón nhận công trình nước sạch mới hoàn thành nhờ Chương trình MTQG – một trong hàng trăm hạng mục thiết yếu góp phần cải thiện điều kiện sống nơi biên cương tổ quốc

Thu nhập bình quân đầu người đạt 47,87 triệu đồng/năm, tăng 30,76% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 34,9% năm 2021 xuống còn 21,29% cuối năm 2024; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 44,95% xuống 27,39%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm mạnh, từ 3,07% xuống còn 0,42%.

Bên cạnh tác động về kinh tế, Chương trình còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… được đầu tư đã kết nối những vùng đất từng bị cô lập. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,32%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,5%, tăng so với năm 2021.

Cũng từ chương trình, công tác bình đẳng giới được chú trọng. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về lồng ghép giới, truyền thông cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em DTTS nâng cao vị thế, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Người dân đã được tham gia vào quá trình bàn bạc, lập kế hoạch, giám sát dự án - từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và niềm tin vào sự đổi thay bền vững.

Những rào cản cần vượt và kỳ vọng giai đoạn mới

Dẫu đã có nhiều thành tựu, nhưng chặng đường 5 năm cũng ghi nhận không ít khó khăn, rào cản, cả khách quan lẫn chủ quan. Thách thức lớn nhất chính là sự chậm trễ trong phân bổ vốn Trung ương đầu giai đoạn và năm 2025.

Bài cuối - Hành trình 5 năm làm nên kỳ tích - ảnh 3
Lớp tập huấn là một phần trong Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc tại cơ sở

Cơ cấu vốn sự nghiệp bị phân tán, manh mún; hệ thống văn bản hướng dẫn từ các Bộ, ngành Trung ương thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chồng chéo, dẫn đến lúng túng trong thực thi ở cơ sở.

Khả năng cân đối vốn đối ứng của địa phương còn hạn chế. Đặc biệt, phần lớn hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác tại các xã đặc biệt khó khăn, điều kiện sản xuất và dân trí đều thấp, phong tục lạc hậu còn phổ biến.

Các xã gặp khó trong triển khai dự án phát triển sản xuất do thiếu hướng dẫn cụ thể, nguồn cung cây, con giống chưa đáp ứng yêu cầu. Với tỷ lệ đối ứng 40% đối với các xã không thuộc diện khó khăn, nhiều hộ nghèo không đủ điều kiện tham gia.

Tính đến nay, vẫn còn 7 chỉ tiêu chương trình chưa đạt, trong đó có 4 chỉ tiêu rất khó hoàn thành trước năm 2025, bao gồm:

Thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào DTTS tăng gấp đôi so với 2020 (theo GRDP bình quân thì khó đạt); 45 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo (ước khó hoàn thành); Tỷ lệ trường, lớp học kiên cố còn thiếu gần 24%; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng còn thiếu hơn 24%.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế ở một số cấp. Khó khăn trong lựa chọn mô hình cây - con phù hợp, trong lựa chọn đơn vị liên kết sản xuất có năng lực và tâm huyết. Địa bàn triển khai đều là vùng sâu, vùng xa, hạ tầng thiếu đồng bộ, giao thông chia cắt, đời sống khó khăn. Chính sách dù đã được rà soát, nhưng vẫn thiếu tính đột phá, còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, gây lúng túng trong triển khai.

Đời sống đồng bào tuy đã cải thiện, nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ tái nghèo cao, một bộ phận người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ. Những vấn đề xã hội phức tạp vẫn hiện diện, như tội phạm ma túy, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, suy dinh dưỡng trẻ em, thiên tai, dịch bệnh…

Từ thực tiễn này, tỉnh Điện Biên đã rút ra nhiều bài học sâu sắc: Cần tăng cường nghiên cứu chính sách dân tộc, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ để dự báo và hoạch định phù hợp; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, xác định cơ quan đầu mối cấp tỉnh theo dõi, tổng hợp, thẩm định chính sách; Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho những xã còn yếu về hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, cận nghèo; Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Điện Biên cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số “then chốt của then chốt” trong thực hiện chương trình. Cần chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, gắn với tạo việc làm cho người dân, đầu tư đúng quy hoạch, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải.

Trên cơ sở đó, Điện Biên kiến nghị Trung ương nhiều giải pháp cho giai đoạn 2026–2030. Trước tiên là cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn chưa sử dụng hết sang giai đoạn sau. Quan trọng hơn, tỉnh đề xuất gộp ba chương trình MTQG hiện tại thành một chương trình chung: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn”. Chương trình mới sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung: đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát.

Tỉnh đề xuất cơ cấu vốn hợp lý hơn: tăng vốn đầu tư lên 80–90%, giảm vốn sự nghiệp xuống 10–20%. Với các địa phương nghèo như Điện Biên, đề nghị Trung ương đảm bảo 100% vốn, địa phương không phải đối ứng, chỉ huy động xã hội hóa. Giao vốn sự nghiệp theo kế hoạch tài chính 3 năm để tăng tính chủ động, tránh dồn dập, giải ngân chậm.

Ngoài ra, cần chính sách khuyến khích phong trào lao động sản xuất trong đồng bào, hạn chế “cho không”; mở rộng đối tượng thụ hưởng; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, tạo phong trào đổi mới, liên kết sản xuất hiệu quả.

Năm năm không quá dài, nhưng đủ để chứng minh: nếu có cơ chế phù hợp, sự quyết tâm từ trên xuống dưới và sự đồng lòng của nhân dân, vùng cao Điện Biên hoàn toàn có thể tự vươn lên bằng chính nội lực và khát vọng.

Những con số tăng trưởng, những con đường mới mở, những ngôi nhà cộng đồng mọc lên giữa bản làng, tất cả là minh chứng sống động cho một chương trình đúng đắn và đầy tính nhân văn. Từ nền tảng đó, kỳ vọng giai đoạn 2026–2030 sẽ là bước phát triển mới, toàn diện và bền vững hơn nữa cho vùng đất biên cương đầy nắng gió này.