Văn nghệ sĩ và ước nguyện sinh thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

PHƯƠNG ANH (lược ghi)

VHO - Chia sẻ với Văn Hóa, nhiều văn nghệ sĩ bày tỏ xúc cảm tiếc thương cũng như mong mỏi hiện thực hóa những lời mách bảo, những thông điệp nhắn nhủ và ước nguyện sinh thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật dân tộc.

Văn nghệ sĩ và ước nguyện sinh thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và NSND Chu Thúy Quỳnh tại Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ảnh: NVCC

 Trách nhiệm thực hiện ước nguyện lúc sinh thời của Tổng Bí thư

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một cuộc đời và sự nghiệp đẹp đẽ, trọn vẹn cho đến giây phút cuối cùng. Ông là người đã kế tục tư tưởng, đạo đức, phong cách và văn hóa Hồ Chí Minh; là một nhà lý luận sắc sảo, đã khái quát và đúc kết những vấn đề lý luận thành quan điểm của Đảng trong việc dẫn dắt dân tộc, đất nước phát triển phồn vinh cũng như đưa ra những định hướng đổi mới, thúc đẩy sáng tạo đối với nền văn học nghệ thuật dân tộc.

Văn nghệ sĩ và ước nguyện sinh thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ảnh 2

Với phẩm cách, lối sống bình dị, luôn yêu thương, thấu hiểu và lắng nghe nhân dân, Tổng Bí thư đã kịp thời có những định hướng điều chỉnh trong quan điểm của Đảng ở những giai đoạn khác nhau, khi thuận lợi, lúc khó khăn và khi phải đối diện với những thách thức chưa bao giờ có. Ông đã sống cuộc sống hòa đồng một cách đẹp đẽ nhất với nhân dân. Trong đường lối phát triển văn hóa văn nghệ, chúng ta đều cảm nhận được trong những nhắc nhở nhẹ nhàng của Tổng Bí thư là những điều vô cùng thấm thía, sâu sắc. Chính từ cuộc sống, con người bình dị của ông đã thể hiện ra một cách nhẹ nhõm, chân tình nhất những tình cảm mà ông dành cho nhân dân và văn nghệ sĩ.

Sinh thời, Tổng Bí thư cũng thể hiện rất rõ những khát khao chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Đó là một nền văn hóa vừa thừa hưởng những giá trị truyền thống của cha ông, vừa tiếp thu những yếu tố mới mẻ, sáng tạo. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã gửi gắm nhiều tâm tư về đường lối phát triển của nền văn hóa nghệ thuật. Ở đó, có những ước nguyện cháy bỏng nhất của ông.

Bởi thế lúc này, thiết nghĩ rằng giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ cần phải có trách nhiệm thể hiện tiếng nói của mình trong thời đại chuyển giao thế hệ. Những thông điệp nhắn nhủ của Tổng Bí thư chính là sự truyền lửa, tiếp lửa, mang đến động lực sáng tạo cho chúng ta. Hơn thế, đó còn là niềm tin, là sức mạnh để giới văn nghệ sĩ nước nhà mạnh mẽ tiếp bước, lật sang một trang mới của nền văn học nghệ thuật. Đó cũng chính là để thực hiện ước nguyện cháy bỏng lúc sinh thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

(Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

 Nhớ mãi sự gần gũi, khiêm nhường

Tôi có bức ảnh quý vinh dựđược chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và NSND Chu Thúy Quỳnh, do phóng viên báo Tiền Phong chụp đã lâu. Đó là nhiệm kỳ đầu tiên ông làm Tổng Bí thư, khi ông đến trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) thăm đại diện các văn nghệ sĩ của 10 Hội chuyên ngành Văn học nghệ thuật.

Khi ấy, tôi là Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Chu Thúy Quỳnh là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Sáng hôm ấy, khi hai chị em vào hội trường ở tầng 2, các ghế bên trên đều đã kín, chúng tôi xuống cuối phòng họp, nơi còn ghế trống. Không ngờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở trên bàn danh dự nhìn thấy, ông đi xuống tận cuối hội trường để bắt tay và chào hai chị em. Chúng tôi thật bất ngờ và cảm động. Động thái rất tự nhiên ấy của ông đã thể hiện rõ sự trân trọng của Tổng Bí thư với các văn nghệ sĩ. Hôm sau, tấm ảnh này được đăng trang nhất trên báo Tiền Phong. Anh phóng viên đã gửi tặng tôi tấm ảnh và tôi đã giữ đến tận bây giờ.

Cuối buổi gặp gỡ, tất cả văn nghệ sĩ tiễn Tổng Bí thư xuống sân và mọi người được đứng chụp ảnh lưu niệm cùng ông. Tôi được xếp đứng ngay bên cạnh Tổng Bí thư. Ông khẽ nói nhỏ nhẹ: “Chị Hồng Ngát làm văn học nghệ thuật cũng lâu rồi đấy nhỉ?”. Tôi khẽ đáp: “Vâng ạ!”, và trong lòng hiểu rằng, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Tổng Bí thư vẫn đọc hoặc xem đâu đó những gì tôi đã viết, đã làm…

(Nhà biên kịch NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam)

 Với đức tính khiêm nhường, Tổng Bí thư không muốn có một bộ phim nói về mình

Văn nghệ sĩ và ước nguyện sinh thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ảnh 3

 Bộ phim tài liệu dài 60 phút về “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực” do Quân ủy TƯ, Ban Tuyên giáo TƯ chỉ đạo nội dung; Tổng cục Chính trị chỉ đạo sản xuất và Điện ảnh QĐND vinh dự được trao nhiệm vụ sản xuất bộ phim vô cùng ý nghĩa và đặc biệt này. Với chúng tôi, đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là vinh dự và cũng là trách nhiệm của những nghệ sĩ - chiến sĩ mặc áo lính dành cho nhà lãnh đạo được quân dân cả nước vô cùng yêu kính.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ và những nghệ sĩ tham gia thực hiện sản xuất bộ phim đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực, chạy đua cùng thời gian để bộ phim phát sóng đúng thời điểm nhân dân cả nước nhận tin buồn: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Bộ phim như một nén tâm hương thành kính tưởng niệm Tổng Bí thư; giúp nhân dân cả nước có thêm cái nhìn toàn diện về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tài năng, đạo đức cách mạng của ông, và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc về tình cảm của nhân dân, của bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong suốt quá trình thực hiện bộ phim, thực hiện các phỏng vấn…, đoàn làm phim luôn nhận được chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và đặc biệt là của nhân dân khắp mọi miền đất nước để có những buổi ghi hình thành công, thuận lợi và nhiều cảm xúc. Điều khó khăn và cũng là nuối tiếc nhất của đoàn làm phim là đã không có được những thước phim ghi lại cuộc sống đời thường giản dị, riêng tư của Tổng Bí thư với quê hương, với gia đình. Lý do vô cùng xúc động đó là, với đức tính khiêm nhường, Tổng Bí thư không muốn có một bộ phim nói về mình. Ông cho rằng, việc người cán bộ lo cho dân, cho nước là điều hiển nhiên, là lẽ sống. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể âm thầm ghi hình, âm thầm chuẩn bị tư liệu sẵn sàng và hoàn thiện những khâu cuối cùng vào ngày phát sóng bộ phim.

Khi bộ phim được phủ sóng đến tất cả các Đài truyền hình trên toàn quốc và trên mọi nền tảng truyền thông…, Điện ảnh QĐND vô cùng xúc động và tự hào. Chúng tôi đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, một nhiệm vụ đặc biệt, góp phần đem lại cho toàn dân và bè bạn quốc tế những hình ảnh quý giá, những thước phim sống động về cuộc đời, sự nghiệp, sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lan tỏa tấm gương đạo đức cách mạng của một người Cộng sản chân chính.

(Thượng tá, Nhà biên kịch NGUYỄN THU DUNG, Giám đốc Điện ảnh QĐND)

 Nhớ thấm thía từng lời phát biểu của người đứng đầu đất nước

 Tôi nhớ thấm thía từng lời phát biểu, từng cử chỉ ân cần, tâm huyết của người đứng đầu đất nước đối với lĩnh vực hoạt động của mình. Theo Tổng Bí thư, hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ chân chính phải bám sát đời sống, dám dấn thân vào những mũi nhọn của cuộc sống để phát hiện, phản ánh kịp thời những nhân tố mới tích cực, những vấn đề nảy sinh. Đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, chống những thói hư, tật xấu, sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền, như thế mới góp phần xây dựng một xã hội văn minh, con người Việt Nam có tri thức, văn minh, thanh lịch và chứa chan tình người. Chỉ có như vậy, văn học nghệ thuật mới thực sự phản ánh xã hội bằng những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho xã hội, cho công chúng.

Tôi càng nhớ và càng thấm thía hơn khi Tổng Bí thư nhấn mạnh về ý thức của đội ngũ văn nghệ sĩ. Thời đại và cuộc sống có vô vàn điều cần nói, cần viết, cần phản ánh, nhưng nói, viết, phản ánh như thế nào? Thông qua tư duy khách quan của người nghệ sĩ hướng đến những giá trị cao đẹp về Chân, Thiện, Mỹ và văn nghệ sĩ phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ giãi bày tâm trạng cá nhân. Tổng Bí thư cũng nhận định, bên cạnh những văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình còn có những người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, dẫn đến việc tác phẩm xa rời cuộc sống, thậm chí có cả những tác phẩm có nội dung xấu, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên của dân tộc, cá biệt còn đòi “hạ bệ”, “giải thiêng”, “bôi đen” các giá trị to lớn, thiêng liêng của đất nước, của chế độ.

Tổng Bí thư cũng cho rằng, thực tế đời sống văn nghệ của nước ta và trên thế giới cho thấy chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sáng tạo, thì người nghệ sĩ mới có thể đi xa và bền vững. Mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chính là tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh sinh động nhất về cuộc sống và tâm hồn, tính cách dân tộc, những vấn đề lớn lao của đất nước, của thời đại và cả dự báo cho tương lai...

(Họa sĩ ĐỖ NGỌC DŨNG, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ)

 Những lời dạy của Tổng Bí thư với văn nghệ sĩ mãi vẹn nguyên giá trị

Văn nghệ sĩ và ước nguyện sinh thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ảnh 4

Tôi may mắn có cơ hội sáng tác nhiều logo, tác phẩm hội họa phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và được trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phê duyệt, trong đó có các bộ tem Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII do tôi thiết kế. Tôi cũng may mắn là một trong những văn nghệ sĩ được tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, được gặp Tổng Bí thư và lắng nghe những phát biểu, câu nói thấm thía và đẫm ân tình của bác. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc với đường lối phát triển văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Là một nghệ sĩ chuyên sáng tác hội họa, đồ họa, thiết kế tem về đề tài chính trị, với tôi, những lần được gặp Tổng Bí thư, được nghe những thông điệp dặn dò của bác, một cách nhẹ nhàng mà nhiều ẩn ý, thực sự là những may mắn và dấu ấn trong đời. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm đặc biệt với đường hướng phát triển văn hóa văn nghệ, vấn đề giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa. Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”, thấm nhuần từ câu nói của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”… Những điều đó đã có tác động sâu sắc, thấm đẫm trong nhân sinh quan, quan điểm sáng tác của chúng tôi. Mỗi nghệ sĩ đều luôn thấu hiểu rằng, để thực hiện những tác phẩm văn hóa nghệ thuật vừa có dấu ấn riêng, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị thì am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong một vài lần khác, tôi cũng may mắn được tham gia cuộc gặp mặt thân tình của Tổng Bí thư với văn nghệ sĩ, Việt kiều. Mỗi dịp là một lần tôi lại được cảm nhận sự gần gũi, thân tình từ bác. Tổng Bí thư đã chia sẻ rất mộc mạc, dễ hiểu và gần gũi về những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc trong thời đại ngày nay. Trong công cuộc hội nhập quốc tế mạnh mẽ, khi đường biên sáng tác văn nghệ nói chung, hội họa nói riêng rộng mở, tạo cơ hội nhưng cũng đặt các văn nghệ sĩ trước những thách thức rất lớn. Bài toán phát triển, hội nhập và giữ gìn bản sắc, hồn cốt văn hóa dân tộc để vững vàng, không bị hòa tan với thế giới càng đặt ra cấp thiết và thấm thía hơn bao giờ hết. Những lời dạy của Tổng Bí thư với các văn nghệ sĩ vì thế mãi mãi vẹn nguyên giá trị. Trên bản đồ nghệ thuật lớn hiện nay, chúng ta luôn phải giữ được hồn cốt và bản sắc dân tộc mới có thể vững vàng, tự tin đối thoại với văn hóa khu vực và trên toàn thế giới.

(Họa sĩ TÔ MINH TRANG)