Thể chế hóa quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm Quy tắc ứng xử

AN AN, ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Hiện chưa có quy định pháp luật nào cấm người nổi tiếng vi phạm quy định Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng trên không gian mạng xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, Cục mong muốn sẽ thể chế hóa vấn đề này thành quy định pháp luật để việc thực hiện hiệu quả, có sức răn đe- Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết.

Chiều 24.7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý II năm 2025. Ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL chủ trì họp báo.

Đồng chủ trì họp báo có ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí. Tham dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Thể chế hóa quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm Quy tắc ứng xử - ảnh 1
Quang cảnh họp báo

Thể chế hóa quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến các nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo gần đây, trong đó có những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: "Quan điểm của Cục NTBD cũng như của Bộ VHTTDL, các nghệ sĩ cũng là công dân, vì vậy, trước hết, nghệ sĩ phải thực hiện theo đúng quy định của công dân trước pháp luật".

“Đối với nghệ sĩ, họ càng phải nâng cao ý thức hơn nữa. Tôi cho rằng người nghệ sĩ cần có khán giả, khi mất niềm tin của khán giả thì nghệ sĩ không còn gì nữa” - ông Trần Hướng Dương nói.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm các quy định, quy tắc ứng xử của người nổi tiếng trên không gian mạng, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Quy trình hạn chế phạm vi ảnh hưởng của người nổi tiếng vi phạm đã được Bộ ban hành từ năm ngoái nhưng chưa triển khai vì chưa có trường hợp cụ thể để thí điểm.

Thể chế hóa quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm Quy tắc ứng xử - ảnh 2
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời tại họp báo

 Vừa qua, đã có nhiều trường hợp vi phạm để thực hiện thí điểm thì Thanh tra Bộ thực hiện sáp nhập nên chưa có đơn vị chủ trì thực hiện.

Theo ông Lê Quang Tự Do, về mặt pháp lý, quy trình hạn chế nói trên chưa được thể chế thành quy định pháp luật. Vì vậy, việc áp dụng cần cân nhắc. "Hiện chưa có quy định pháp luật nào cấm người nổi tiếng vi phạm Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, Cục mong muốn sẽ thể chế hóa vấn đề này thành quy định pháp luật để việc thực hiện hiệu quả, có sức răn đe", ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Trả lời câu hỏi về trường hợp nghệ sĩ Quyền Linh và Doãn Quốc Đam tham gia quảng cáo sai sự thật, ông Lê Quang Tự Do cho hay, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với các nghệ sĩ đồng thời mời Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tham gia và đánh giá vụ việc.

Theo ông Lê Quang Tự Do, hợp đồng quảng cáo của hai nghệ sĩ với nhãn hàng đã kết thúc từ hai năm trước. "Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt là dưới hai năm. Ngoài ra, mức độ "thổi phồng" trong quảng cáo chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, Cục có nhắc nhở các nghệ sĩ, đồng thời, hai nghệ sĩ bày tỏ sẽ phối hợp với Cục trong truyền thông, thông tin rõ hơn đến các nghệ sĩ khác để nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia quảng cáo"- Cục trưởng Lê Quang Tự Do thông tin.

“Với hai trường hợp Quyền Linh và Doãn Quốc Đam, đã bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Hai nghệ sĩ cam kết phối hợp với Cục trong thông tin, tuyên truyền đến các nghệ sĩ khác để rút kinh nghiệm. Khi làm việc với các nghệ sĩ, chúng tôi nhận thấy họ cũng rất áp lực, lo lắng về việc có nên tham gia thực hiện quảng cáo không. Nhiều báo chí rút tít “Nghệ sĩ quảng cáo sữa giả” là sai vì nghệ sĩ không xác minh được sữa thật hay giả. Họ có thể quảng cáo thổi phồng chức năng sản phẩm chứ không phải là hàng giả”, ông Lê Quang Tự Do nói.

Thể chế hóa quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm Quy tắc ứng xử - ảnh 3
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương trả lời báo chí

Nâng cao "sức đề kháng" của người dân

Về vấn đề lừa đảo trên mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do cho biết, hiện có nhiều tài khoản giả mạo, lừa đảo với nhiều hình thức khác nhau trên mạng xã hội.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều tổ chức xuyên quốc gia, có tổ chức quy mô lớn. Việc này có trách nhiệm của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử với vai trò là đơn vị quản lý thông tin trên mạng.

Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, hiện có 2 biện pháp Cục đang triển khai là phối hợp với các nền tảng mạng xã hội dùng các biện pháp kỹ thuật xác minh tài khoản giả mạo và gỡ.

Thể chế hóa quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm Quy tắc ứng xử - ảnh 4
Quang cảnh họp báo

“Trong 6 tháng đầu năm, các nền tảng đã gỡ khoảng 30 ngàn tài khoản giả mạo”- ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Biện pháp thứ 2, theo ông Lê Quang Tự Do là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như cung cấp thông tin đầy đủ cho nhân dân. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an, gửi các tin nhắn cho người dân để cảnh báo các thủ đoạn mới mà tội phạm thực hiện.

“Hai biện pháp rất cố gắng nhưng trong bối cảnh phát triển của công nghệ mới, đặc biệt là AI, cần sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền để mỗi người dân có sức đề kháng trước lừa đảo của không gian mạng”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho hay.