Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí:
Tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế báo chí
VHO - Góp ý cho dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đai biểu Nguyễn Hải Nam (Thành phố Huế) cho rằng, trong bối cảnh truyền thông toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo khung pháp lý phù hợp, thúc đẩy báo chí Việt Nam phát triển hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập.

Theo đại biểu, một trong những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm trong lần sửa đổi này là phát triển kinh tế báo chí – yếu tố sống còn để các cơ quan báo chí tồn tại và nâng cao chất lượng nội dung trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Thực tế hiện nay, mô hình tài chính của nhiều cơ quan báo chí vẫn phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu quảng cáo truyền thống, vốn đang dần suy giảm khi thị phần bị chia sẻ mạnh bởi các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Trong khi đó, cơ chế tự chủ tài chính chưa được định hình rõ ràng trong luật Báo chí năm 2017; hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh báo chí như tổ chức sự kiện, phát hành sách, sản xuất nội dung số… vẫn còn chưa thông thoáng, khiến các đơn vị báo chí lúng túng trong triển khai các mô hình kinh tế mới.
Việc sửa luật lần này cần đặt trọng tâm vào việc thiết lập cơ chế cho phép các cơ quan báo chí thực hiện quyền tự chủ tài chính một cách thực chất. Luật nên quy định rõ các hoạt động được phép triển khai để tạo nguồn thu chính đáng; đồng thời bổ sung quy định về quản lý, giám sát minh bạch nguồn thu, tránh tình trạng “báo hóa” hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng hoặc quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo báo chí – nhất là đối với các đơn vị chuyển đổi số, phát triển nền tảng số nội địa.
Mặt khác, Luật Báo chí cần phân định rạch ròi giữa báo chí chính thống và các loại hình thông tin trên mạng xã hội, nhằm bảo vệ thị phần, uy tín của báo chí được cấp phép. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh chỉ có thể hình thành khi báo chí chính thống được bảo hộ hợp lý, đồng thời được trao công cụ pháp lý để phát triển bền vững.
"Kinh tế báo chí không chỉ là bài toán tài chính, mà còn là động lực đổi mới nội dung và công nghệ. Một Luật Báo chí hiện đại cần mở đường cho báo chí Việt Nam thoát khỏi tình trạng “báo chí làm kinh tế trong hành lang hẹp”, từ đó từng bước hình thành hệ sinh thái báo chí tự chủ, sáng tạo và phát triển dài hạn", đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.