Nghệ thuật truyền thống trong cách nhìn của người trẻ
VHO - Với tâm hồn của một khán giả trẻ, tôi đi tìm chất giải trí trong loại hình nghệ thuật đậm giá trị văn hóa truyền thống. Để rồi, tự mình đặt ra những suy tư trước sự mờ nhạt của múa rối nước trong chuyến xe lưu giữ hồn dân tộc.
Chạy xe đến Nhà hát Múa rối Thăng Long, Hà Nội, tôi đi xem múa rối trong thời điểm Hà Nội giờ tan tầm đông đúc. Tọa lạc ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát là địa chỉ biểu diễn múa rối nổi tiếng từ hơn 30 năm nay, với tên tuổi đã trở thành thương hiệu trong lòng bao thế hệ khán giả.
Khám phá chất giải trí trong múa rối
Giải trí là nhu cầu cơ bản của con người trong đời sống ngày nay. Giải trí thông thường gắn liền với cảm giác thỏa mãn, thích thú, đi đôi với nụ cười. Trong khi đó, giải trí sâu lại là những hoạt động hướng con người tới những giá trị cốt lõi về chân - thiện - mỹ, mang đến sự thăng hoa về mặt cảm xúc.
Sau những giây phút thưởng thức, tôi nhận ra múa rối nước không chỉ đáp ứng được giải trí cơ bản mà còn nâng nhu cầu nền tảng thành thứ hưởng thụ ý nghĩa.
Ở cả hai khía cạnh, trước hết, múa rối nước đáp ứng đủ yếu tố giải trí thông thường. Ngược dòng lịch sử, múa rối nước ra đời với mục đích giải trí, thỏa mãn nhu cầu cơ bản của cư dân thời kỳ đó. Loại hình nghệ thuật này xuất hiện vào khoảng thế kỷ X - XI, gắn liền với cuộc sống thôn dã ở đồng bằng Bắc Bộ và nền văn minh lúa nước. Xã hội phong kiến hình thành. Giai cấp địa chủ đàn áp dân chúng, bóc lột sức người sức của một cách tàn bạo, dã man. Những người nông dân sống trong thời kỳ đen tối, chịu nhiều áp bức. Dưới ách cai trị thời kỳ ấy, nông dân đã tìm kiếm một thú vui để giải tỏa nỗi bất bình, như một cách để lẩn trốn thực tại mù mịt. Loại hình nghệ thuật này là thứ giải trí bình dân, phù hợp với đa số bộ phận người dân lao động thời kỳ xưa. Hơi thở giải trí của quá khứ đã và đang được các nghệ sĩ giữ trọn vẹn và phát triển cho đến tận ngày nay.
Bên cạnh đó, những màn múa rối tạo ra những tiếng cười, mang đến niềm vui bằng việc bày trí một bữa tiệc thịnh soạn từ thanh âm đến hình ảnh. Âm nhạc giữ vai trò chủ đạo trong việc thổi hồn cho từng chuyển động, nhịp điệu, biểu cảm của chú rối. NSƯT Bạch Quốc Khanh, người góp phần vào sự sáng tạo, đổi mới trong các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả của Nhà hát những năm qua cho rằng: “Cái hay của múa rối nước nằm ở việc không cần phải lời lẽ nhiều. Thay vào đó, bằng động tác, bằng âm nhạc, bằng cách thể hiện câu chuyện độc đáo, người xem có thể hiểu được về cơ bản 70-80% câu chuyện”. Múa rối có được chất giải trí bằng việc tận dụng âm nhạc, hình ảnh vào từng chi tiết của vở diễn.
“Thay vì cho rằng múa rối không phù hợp với hơi thở của cuộc sống đương đại, các bạn trẻ hãy từ góc nhìn ngược để thấy quá khứ trong loại hình nghệ thuật này. Nó lưu giữ rất nhiều nét độc đáo của văn hóa, âm nhạc, mỹ thuật. Nó chứa đựng nhiều giá trị hơn so với các cái tiêu chí mà các bạn trẻ cho là giải trí thông thường như bây giờ. Múa rối nước là giải trí nghệ thuật đỉnh cao”, NSƯT Bạch Công Khanh khơi gợi trong những người trẻ như tôi những suy tư, khơi dậy sự yêu thích khám phá thứ “giải trí nghệ thuật đỉnh cao” mà nghệ sĩ chia sẻ.
Múa rối không đơn thuần chỉ mang đến niềm vui mà còn truyền tải các giá trị dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy dung dị, đơn giản nhưng nó mang tính gắn kết các thế hệ. Vở diễn đi sâu khai thác những cảnh đời đã xa so với thời đại. Nét lạc quan của người dân lao động trong mọi hoàn cảnh cuộc sống thế hiện nơi nụ cười của tất cả con rối. Những chi tiết ấy giúp con người nhìn nhận lại bản thân, rút ra những bài học trông nhìn để hướng đến chân - thiện - mỹ.
Kết thúc của vở múa sẽ là hành trình giúp mỗi cá nhân có định hướng trong cuộc sống, tiếp tục hành trình cống hiến với niềm vui. Không phải nhất thời, bề mặt; múa rối là hình thức giải trí sâu cho mỗi khán giả thưởng thức. Múa rối nước đã vượt xa giải trí thông thường. Nó chứa đựng hồn cốt dân tộc và những bài học đắt giá kết nối thế hệ.
Xem nghệ thuật truyền thống theo cách của người trẻ
Các bạn trẻ thường có xu hướng giải trí bằng cách sử dụng các phương tiện công nghệ số như điện thoại, máy tính; tiếp xúc các nội dung “tại chỗ” một cách nhanh chóng và tiện lợi. H.T.N, sinh viên Học viện Ngoại giao chia sẻ: “Mình thường nghe nhạc hoặc vẽ tranh và làm đồ thủ công. Mình cảm thấy các hình thức giải trí này không yêu cầu bản thân phải sử dụng quá nhiều năng lượng, do đó sẽ giúp mình cảm thấy thoải mái hơn sau một khoảng thời gian học tập và làm việc căng thẳng.”
Tính nhanh chóng và tiết kiệm là lợi ích to lớn và gần như khiến giới trẻ ít để ý đến những tác động tiêu cực của các hình thức giải trí “tại chỗ”. Các nền tảng mạng xã hội đã làm tốt trong việc cung cấp những thông tin nhanh, ngắn gọn, cần thiết nhưng vẫn khiến cho giới trẻ cảm thấy thích thú và thỏa mãn. Trong khi đó, múa rối thực chất là loại hình giải trí song có rất ít bạn trẻ có xu hướng lựa chọn loại hình này.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn luôn có một dòng chảy bất biến trong mọi thế hệ người dân Việt Nam, mà những loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối nước là một sứ giả. Thế nhưng, múa rối nước vẫn không phải là loại hình nghệ thuật phổ biến. Với thế hệ trẻ, xem múa rối dường như… chưa đủ “tiện”.
Tôi thầm nghĩ, trên vai lớp trẻ dường như đang có những áp lực về việc “phải” bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Những từ như “giữ gìn”, “phát huy” được nhắc tới nhiều nhưng chưa thực sự có chiều sâu. Múa rối cần được đưa vào cuộc sống cũng như khiến lớp trẻ cảm nhận được vai trò của mình trong lưu giữ văn hóa dân tộc. Thứ những người trẻ cần là lòng khao khát thực sự để bảo tồn giá trị hồn cốt dân tộc, “được” làm chứ không nên là “phải” làm.
Hiện nay, các bạn trẻ tiếp xúc nhiều với các phương tiện công nghệ. Chúng tôi làm việc bằng máy tính, nhắn tin trên điện thoại, giải trí với các loại hình đương đại khác. Vậy nên, nếu không ứng dụng công nghệ thì rất khó để phổ cập tới các bạn trẻ ngày nay. Nghệ thuật múa rối nên thực chất bước vào đời sống của giới trẻ bằng các phương tiện công nghệ.
Không những thế, giới trẻ có xu hướng thích những hoạt động trải nghiệm như tham gia các sự kiện, những cuộc hội thảo. Bằng việc tổ chức những hoạt động như thế có thể giúp các bạn trẻ thấy được tính ứng dụng của múa rối nước vào cuộc sống cũng như sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Múa rối nước bản chất là loại hình nghệ thuật giải trí có chiều sâu. Người trẻ không thể đưa đến nơi biểu diễn nghệ thuật một tinh thần nghèo nàn văn hóa dân tộc, hay thái độ hờ hững, một chấp niệm giải trí chỉ đơn thuần là thứ mang đến tiếng cười giòn giã. Tôi nghiệm thấy, thế hệ trẻ cần nhìn cách người nước ngoài xếp hàng mua vé vào xem, để thấy cách họ trân trọng nền văn hóa dân tộc mình.
Với tôi, vở diễn rối nước hôm ấy đã kết thúc trong sự thăng hoa của cảm xúc và tinh thần thôi thúc lưu giữ hồn dân tộc.