“Sài Gòn - TP.HCM: Đổi thay qua những khung hình (1975 - 2025)”
VHO - Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), NXB Tổng hợp TP.HCM giới thiệu tập sách ảnh “Sài Gòn - TP.HCM: Đổi thay qua những khung hình (1975 – 2025)” của nhiếp ảnh gia (NAG) Tam Thái. Tác phẩm ghi dấu những khoảnh khắc đổi thay của TP.HCM trong 50 năm qua.

Lời đầu tiên, tác giả Tam Thái dành để bày tỏ tấm lòng tri ân và kính dâng các bậc tiền nhân, đã đến vùng Gia Định – Bến Nghé khai mở đất đai, để cháu con hôm nay hưởng lộc nơi này.
Có thể nói, anh là người bền bỉ đi tìm hình bóng thành phố bằng những hình ảnh chân thật, đến nay vừa đủ để tập hợp thành sách.
Bằng những hình ảnh đời thực, tác giả đưa người đọc trở về quá khứ trải dài đâu đó cỡ chừng 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất. Đó là khi thành phố vừa bước ra khỏi thời kỳ chiến tranh, chính thức sống trong bầu không khí hòa bình độc lập, hòa mình cùng non sông thống nhất.
Thành phố Sài Gòn chính thức đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hy sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ, hơn hết là ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam trở thành đất nước độc lập và thống nhất.
Ở đó là thời kỳ bao cấp còn lắm vất vả, hành trình đi tìm con chữ của người dân, những câu chuyện mưu sinh, bắt đầu công cuộc kiến thiết để xây dựng nền kinh tế phát triển.

Người đọc sẽ nhìn thấy những khung cảnh phố xá, địa danh vang bóng thân thuộc một thời, những công trình xưa cũ đan xen những công trình kiến trúc hiện đại, những con đường kết nối giao thông thuận tiện hơn. Nhịp sống ở đô thị luôn hối hả nhưng vẫn ấm áp tình người.
NAG Tam Thái chia sẻ: “Năm 2024, NXB Tổng hợp TP.HCM đề nghị tôi thực hiện một tập sách ảnh kỷ niệm 50 năm về Sài Gòn – TP.HCM. Tôi nhận lời với điều kiện chỉ làm trong khả năng những gì đã tích lũy.
Bản thảo hoàn thành sau mười tháng miệt mài, nhưng thật ra, nếu không trải qua nửa thế kỷ cầm máy lang thang khắp phố phường, gom góp từng mảng sống của Sài Gòn thân yêu, thì khó có thể thực hiện được. Đó là lý do quý bạn sẽ thấy nhiều hình ảnh của 'hôm qua' trong tập sách này”.
Với NAG Tam Thái, nhiếp ảnh là cách lưu giữ ký ức để thế hệ hôm nay kế thừa giá trị của ngày hôm qua. Ông luôn tâm niệm: nhiếp ảnh phải gắn với đời sống, là chứng nhân của thời đại, kịp thời ghi lại những gì đang tồn tại trước khi phai nhòa.
Những bức ảnh là mảnh ghép quá khứ, kết nối hiện tại và hướng đến tương lai. TP.HCM hôm nay như một quả cầu sinh khí, cần nhiều bàn tay tiếp sức để vươn cao. Tập sách này là những góc nhìn riêng của tác giả – một viên gạch nhỏ góp vào đại công trường thành phố.

Với NAG Tam Thái, đôi khi tấm ảnh giản dị lại trở thành kỷ niệm khó quên. Như bức “Bến sông xưa” chụp bến Mễ Cốc năm 1984.
Năm 1997, tại triển lãm “Sài Gòn dáng xưa và nay”, nhà văn Sơn Nam – “ông già Nam Bộ” – đã dừng lại rất lâu trước tấm ảnh, ngắm nghía rồi nói: “Nhìn con mắt ghe và dãy nhà chành là biết cảnh Sài Gòn, không lẫn vào đâu được”. Ông xin bức ảnh về treo và ghi lên dòng chữ: “Ảnh chụp về Sài Gòn mà tôi thích nhất”.
PGS.TS Pascal Bourdeaux (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – EFEO) nhận định: Những bức ảnh không chỉ minh họa mà còn khiến chúng ta suy ngẫm về quá khứ và đặt ra câu hỏi cho tương lai của một thành phố năng động như Sài Gòn – TP.HCM.
Thành phố mang trong mình lịch sử vinh quang lẫn bi kịch, được thổi sức sống từ chính con người nơi đây.
Tập sách ảnh về Sài Gòn – TP.HCM là thành quả ghi nhận hơn nửa thế kỷ gắn bó của NAG Tam Thái. Qua từng con phố, góc hẻm, anh kiên trì lưu giữ những hình ảnh đời thường, sâu lắng, góp phần kể lại nhiều lát cắt ít được biết đến của quá khứ.
Ẩn sau mỗi bức ảnh là một thông điệp – dành cho những ai yêu mến thành phố, như tấm lòng của một người con dành trọn tình yêu với Sài Gòn – TP.HCM.

Sách dày 272 trang, gồm 6 chương như: Sài Gòn, qua miền ký ức; Sài Gòn – Chợ Lớn rong chơi; Sài Gòn đổi thay; Sài Gòn: Lướt qua vài phố thị mới; Sài Gòn, đô thị đồng quê; Hồn đô thị.