Xóm đất mũi bên sông Rạch Tàu

VHO- Từ miền Trung tôi lang thang vào Cà Mau, ra đất mũi trong tâm thế cảm nhận cuộc sống ở doi đất cuối cùng trên dải đất hình chữ S. Những ngôi nhà giản đơn, trụ nhà là thân cây mảnh mai, loại chịu mặn, cắm xuống sình lầy. Người dân nơi đây có cách nói phóng khoáng, hơn 100 ngàn thì nói “chăm (trăm) ngoài”; hơn một triệu thì cũng gọi tương tự. Từ “hơn” thành từ “ngoài”, có lẽ cái văn hóa ở vùng đất mũi, dùng từ ngoài, giống như cơn gió đất mũi suốt ngày vờn thoảng.

Xóm đất mũi bên sông Rạch Tàu - Anh 1

 Xóm làng đất mũi đoạn cuối sông Rạch Tàu

Thích tên “Đất Mũi”

Trong ngôi nhà của bà Năm Đất Mũi ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau treo tấm bằng của Hội Người cao tuổi Việt Nam vì “Phát huy thành tích 14 chữ vàng”. Bà Năm bộc bạch, “cách đây 10 năm, dì trúng vé số 1,3 tỉ, dì cho bà con hai bên năm chục chiệu, ba chục chiệu/người, ủng hộ chăm chiệu ngoài để xây cái miếu, chủ nợ lưới 10 năm trước kéo tới, dì trả hết, giờ thì sạch chơn”.

Tôi đề cập khía cạnh này ngay từ đầu, bởi trong sách Đại Nam nhất thống chí từng mô tả về người xứ Cà Mau: “Tính người nhẹ nhõm, phần nhiều hào phóng, ưa chuộng xa hoa…”. Từ cái tên của bà Năm đã khớp với nhận định này, bà tên là Đặng Thị Lệ Hoa, sinh năm 1960, bà cứ nhắc đi nhắc lại tên mình là Năm Đất Mũi, rồi kể thảm: “Chồng của dì là ông Năm Đất Mũi, ổng chết trong cơn bão Linda năm 1997, người mất, lưới đáy trôi sạch, may mà ổng phù hộ cho tờ vé số”.

Đi Cà Mau, trong đầu ai cũng nghĩ tới chữ “mũi”. Tôi tới đất mũi và chuẩn bị trước trong đầu hình ảnh về những con ba khía thập thò dưới sình, giơ càng và nhướng mắt về phía người lạ ở gần biểu tượng con thuyền cánh buồm có khắc tọa độ; gặp những người dân phát âm vần tr thành ch; ngồi nghe chuyện số phận của những con người sống một cuộc đời đơn giản, lưu giữ ký ức bão Linda 1997 giữa rừng đước, mắm, vẹt, sú.

Điểm cuối của đất mũi bây giờ đã trở thành khu du lịch, xây dựng cột cờ Hà Nội. Khoảng 300 năm kể từ ngày Mạc Cửu đưa di dân tới khai phá, thần phục triều đình, xứ nước đen Cà Mau bây giờ đều le lói ánh đèn khiến muông thú biến mất. Có người chỉ dẫn và tôi lùi lại 2km, tìm đến một nơi cận mũi là ấp Kênh Đào Đông ven sông Rạch Tàu. Người ta nói, “năm nào nước biển cũng lấy đi một đoạn, nhà ông Bảy Thái nằm ngoài mũi bị cuốn đi đầu tiên rồi nhà kế bên cũng bay tuốt, không ai cự lại được”.

Không chỉ riêng bà Năm, mà vài người tôi gặp, họ cũng thích gắn tên mình với từ “đất mũi”, rồi nói lý do “nghe vậy cho dân dã, mộc mạc, đúng bản chất của dân miền sông nước”.

Xóm đất mũi bên sông Rạch Tàu - Anh 2

 Chị Nguyễn Thị Mỹ Diệp chuẩn bị sang sông để “gước” cậu con trai đi học

Chăm chiệu ngoài

Ấp Kênh Đào Đông một thời khá biệt lập, nhưng không hiểu sao có nhiều cô gái xinh đẹp đã phải lòng các chàng trai bên sông Rạch Tàu. Chị Nguyễn Thị Mỹ Diệp có thân hình nảy nở, tròn như cá khoai, ở xứ khác về đây làm dâu. Bà Năm Đất Mũi cũng ở tận Trà Vinh, bà nói “hồi trẻ dì đẹp lắm, người tròn quay à”. Trước Đồn biên phòng Rạch Tàu có cô Trần Thị Mỹ Xuyên, người gốc Kiên Giang, môi đỏ, da trắng ngần, nụ cười tỏa nắng.

“Ngày nay kiếm được bao nhiêu?”, “Dạ, chăm ngoài”, người ở đất mũi có cách nói vắn tắt và người ta chỉ nhắc đến số tiền chẵn chứ không nói cụ thể số lẻ, đó là bao nhiêu. Một cặp vợ chồng trẻ sống ở thành phố hay thôn quê, thậm chí ở vùng cao các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… khi cưới nhau thì cũng cần số tiền đôi trăm triệu để bắt đầu cuộc sống mới. Còn những cặp đôi ở vùng mũi chỉ cần có số vốn chăm chiệu ngoài và đi hết cuộc đời mình.

Chị Lê Ánh Nguyệt, 36 tuổi, nhà ở cuối mũi Kênh Đào Đông ngồi ngóng tiếng ghe để đón chồng về, xuống vựa bán cá. Thế hệ 8X, nhưng ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ này quá đơn giản, những cây chống từ sàn nhà xuống mặt sông được gọi là “nạng”, đó là cách gọi chính xác cho những trụ nhà trông có vẻ yếu ớt, cong vẹo, “gầy gò”. Chị kể: “Vợ chồng em mua lô đất 4 mét ngang bên sông là chăm chiệu ngoài, làm cái nhà này năm mươi chiệu ngoài, sắm cái vỏ lãi (ghe nhỏ) là năm mươi chiệu, vậy là sống hoài tới giờ”.

Vợ chồng chị Nguyệt đã ở ngoài mũi được 10 năm, hạnh phúc đối với họ khá đơn giản, đó là cá đầy ghe, gió lặng để không bị lỗ tổn dầu, lúc rảnh rang ngồi nghe người lớn tuổi đọc những câu ca dao về Cà Mau trong quá khứ gắn với câu chuyện sợ, cái gì cũng sợ: “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um…/ Chèo ghe sợ sấu cắn chưng/ Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma”.

Xuống vùng đất mũi, tôi hình dung về đoạn mô tả của bác sĩ George Finlayson (1821): “Thành phố Sài Gòn được xây dựng trên một nhánh đáng kể của con sông lớn và trên các bờ của hằng hà các kênh rạch…”. Nếu dùng tư duy chuyển dịch thì nơi tận cùng kênh rạch này cũng là một góc hình hài và cuộc sống của phố phường Sài Gòn, Bến Nghé trăm năm trước.

Cà Mau quê… khó

Lối vào ấp Kênh Đào Đông bây giờ là con đường bê tông đủ hai làn xe máy dẫn từ trục đường chính. Chị Nguyễn Thị Mỹ Diệp cho biết: “Hằng ngày đón gước (đưa) con trai đi học bằng đường phà chứ không đi vòng đường kinh (kênh)”. Tôi sướng rơn khi nghe chị nói chữ “học” cùng với sự cần mẫn mỗi ngày bốn lần sang sông để gước con.

Ở nơi này, kênh là một thứ trở ngại ghê gớm. Chỉ tính riêng chi phí sang sông để đón một đứa con đã ngốn mất hơn 1,5 triệu đồng/tháng, nên phần lớn tụi nhỏ ở những thôn, xóm có địa hình như Kênh Đào Đông chỉ học tới lớp 7, 8 là bỏ, theo cha đi đánh lưới lú. Nghề lưới lú không cần phải học, cứ cha cầm lái, con ngồi sau, đều đặn quăng từ 100-200 cái lú xuống biển, chờ cá vào thì kéo lên mang về. Mấy bà già gặp tôi đều nói “tụi nhỏ học ích (ít) lắm, hiếm đứa nào lên cấp III”.

Sự học ở vùng mũi cũng lận đận như đời người. Anh Lê Chí Cường, Ấp trưởng Kênh Đào Đông phân tích cặn kẽ: “Em nào học đến hết lớp 9 là đã tốt lắm rồi, vì từ đây lên Diên An để học cấp III thì phải đi 30 km, còn lên trung tâm huyện Ngọc Hiển học thì đi 40 km. Ở vùng biển này rất ưa lao động, nên cứ lớn lớn là cha bắt đi biển hết”.

Tôi rời ấp Kênh Đào Đông trở về phố thị trên chiếc xe nhảy cóc, vì đường xuống đất mũi luôn phải đối mặt với vấn nạn sụt, lún. Tròn 10 năm về trước, Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) cảnh báo, nếu không có giải pháp quyết liệt thì Cà Mau sẽ biến mất trong vài thập niên tới. Lời cảnh báo thật đáng lo ngại! Nhưng mới đây, dân đất mũi lại xôn xao khi ChaGPT và AL đã đưa ra dự đoán cùng tấm ảnh 100 năm sau Cà Mau sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

 LÊ VĂN CHƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc