Nỗi lo đò ngang và ước vọng về một nhịp cầu trên sông Mã:
Để không ai còn phải “lụy đò”
VHO - Từ những bản làng heo hút nơi biên viễn Trung Lý - Mường Lý, giữa bạt ngàn núi rừng và dòng sông Mã cuộn chảy, tiếng mái chèo khua nước không chỉ là âm thanh quen thuộc của đời sống miền sơn cước, đó còn là nhịp thở của biết bao phận người, là gánh lo canh cánh của những gia đình hằng ngày đưa con đi học, mẹ đi chợ, cha vượt sông tìm kế sinh nhai...

Những chuyến đò không phép cứ lặng lẽ sang sông, mang theo niềm khao khát về một cây cầu - cây cầu của niềm tin, của sự kết nối, và trên hết, là cây cầu cho tương lai bình yên hơn của cả một cộng đồng bao đời nay vẫn... “lụy đò”.
Bến đò không phép trên sông Mã
Ở cuối trời Tây xứ Thanh, nơi những con đường vắt ngang lưng núi dẫn về các bản làng heo hút như Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng, Lìn, Pa Búa... (xã Trung Lý) hay Xa Lung, Tài Chánh (xã Mường Lý), dòng sông Mã uốn khúc như một dải lụa mềm chia cắt đôi bờ.
Thế nhưng, dòng chảy hiền hòa ấy lại đang trở thành một ranh giới đầy bất trắc, khi phương tiện duy nhất để qua sông là những chuyến đò ngang tạm bợ, không phép, không biển số, không phao cứu sinh, không biển cảnh báo, cũng chẳng ai bảo đảm...
Giữa cái se lạnh của núi rừng mùa mưa, bến đò bản Xa Lung hiện ra sơ sài như bao năm vẫn vậy: Một bến đất trũng, lầy lội, chỉ có vài viên đá kê tạm để người đi đò bước xuống, chiếc thuyền máy cũ kỹ lặng lẽ neo đậu.
Cô L.A.G., giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 2 chia sẻ với Văn Hóa: “Ngày nào tôi cũng đi đò sang bản Pa Búa dạy học. Những hôm mù trời, nước sông dâng cao, dòng chảy xiết, tôi vẫn phải đi vì không muốn học sinh chờ. Nhưng mỗi lần lên đò là một lần tự trấn an mình...”. Có hôm mưa to, đò dừng, cô phải đi vòng gần 30km đường núi mới tới được lớp.
Không riêng gì cô giáo, người dân tại các bản Cò Cài, Pá Quăn hay Tài Chánh cũng hằng ngày “lụy đò” như thế. Bến đò bản Tài Chánh, lúc chúng tôi đến vào khoảng 8 giờ sáng, đã có hàng chục người đứng chờ. Người gùi ngô, kẻ dắt xe máy, ánh mắt ai cũng ngong ngóng ra giữa sông. “Đi đường vòng thì hơn 50 cây số, còn đi đò thì chỉ 20 cây. Gần được già nửa đường, nhưng lo lắm, nhất là lúc nước lên hoặc có sương mù dày đặc”, anh Sùng Seo Sểnh, người dân bản Cò Cài cho biết.
Toàn xã Mường Lý hiện tồn tại ít nhất 4 bến đò tự phát: Xa Lung, Tài Chánh, Kít và Mau. Không hạ tầng, cũng chẳng được đầu tư gì từ ngân sách, nhưng đây lại là phương tiện sinh tử của bà con mỗi ngày. “Chúng tôi biết đi đò thế này là nguy hiểm, nhưng nếu không đi thì mọi hoạt động gần như bị đình trệ, vì cái gì cũng cần đò. Nhiều hộ bán được rau, bí nhưng tiền thu về phải trả gần hết cho chi phí vận chuyển qua sông”, ông Ngân Văn Vĩnh, Trưởng bản Tài Chánh thở dài.
Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xã, huyện (cũ) vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các chủ đò trang bị áo phao, không chở quá tải, đảm bảo an toàn. Nhưng chính họ cũng hiểu, tất cả chỉ mang tính đối phó, tạm thời. Bởi khi chưa có cây cầu nào thay thế, khi nhu cầu đi lại còn thiết thực và cấp bách, thì những chiếc đò cũ nát kia vẫn ngày ngày ngược xuôi, gánh theo bao sinh mạng.
“Tiến thoái lưỡng nan” là cụm từ lặp đi lặp lại trong các buổi tiếp xúc cử tri, trong những cuộc trò chuyện bên bếp lửa. Mỗi chuyến đò qua sông, dẫu quen thuộc đến mấy, vẫn luôn là cuộc vượt chướng ngại giữa mênh mông bất trắc.
Khát vọng xuyên suốt hai thế hệ
Ước mơ có một cây cầu kiên cố bắc qua sông Mã tại vị trí bản Cò Cài - Tài Chánh đã hiện hữu từ thời ông bà, cha mẹ, đến thế hệ con cháu hôm nay. Và dù đã được lắng nghe, được ghi nhận, thì giấc mơ ấy vẫn còn nằm trên giấy...
Ngày 14.4.2023, UBND huyện Mường Lát đã có Tờ trình số 30/ TTr-UBND gửi UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan, đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu Cò Cài - Tài Chánh.
Theo tờ trình, đây là một phần tuyến đường dài 22 km nối từ Pá Quăn - Cò Cài - Tài Chánh đến xã Xuân Nha kết nối hai trục huyết mạch là Quốc lộ 15C và Quốc lộ 16. Tuy nhiên, đoạn giữa bị chia cắt bởi dòng sông Mã rộng tới 430m và chính khoảng cách tưởng chừng không quá lớn ấy, lại trở thành điểm nghẽn khiến cả tuyến đường mất đi giá trị chiến lược.
Bộ Giao thông - Vận tải (cũ) đã có phản hồi, khẳng định tính cấp thiết của công trình. Tuy nhiên, do đây là tuyến đường địa phương, việc đầu tư thuộc trách nhiệm của ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Bộ sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, song để cây cầu hiện diện ngoài đời thực, Thanh Hóa cần chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn.
Dự kiến tổng mức đầu tư công trình là 150,163 tỉ đồng, một con số không nhỏ, nhưng là xứng đáng nếu so với sự đổi thay nó có thể mang lại cho cộng đồng. “Có cầu thì bà con chở hàng sang bên kia bán dễ hơn, trẻ con đi học đỡ vất vả, người bệnh không phải nằm chờ đò giữa đêm mưa rét...”, một phụ nữ Mông bản Cò Cài, nói với ánh mắt ngời tia hy vọng.
Cây cầu còn là bước ngoặt cho phát triển kinh tế địa phương. Là lối mở cho các xã biên giới giao thương nông sản, vật liệu, mở rộng sản xuất. Và hơn cả, nó là biểu tượng của sự công bằng: Công bằng trong tiếp cận giáo dục. Công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Công bằng trong quyền được phát triển để mỗi con người sinh ra ở đây có điều kiện vươn lên, không bị mắc kẹt bởi địa hình hiểm trở hay thiếu thốn hạ tầng.
Giữa trập trùng mây núi, tiếng vọng từ đôi bờ sông Mã như tiếng lòng của hàng nghìn người dân vùng biên viễn. Trưởng bản Ngân Văn Vĩnh nói trong niềm tin chắc nịch: “Nếu có cầu, đời sống sẽ khác. Con em chúng tôi sẽ khác”. Hy vọng, cầu không còn là mơ mà sẽ là thực tại. Sớm thôi!